Vì sao loại vũ khí quan trọng cho Ukraine chống Nga đang bị thiếu hụt?
Hiện có một số nguyên nhân khiến Ukraine bị thiếu hụt nguồn cung tên lửa Javelin, một vũ khí lợi hại do Mỹ tài trợ để chống lại các lực lượng Nga.
Trong số tất cả các loại hỗ trợ Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, 5.500 tên lửa Javelin có lẽ được chào đón nhất. Nhờ loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ này, người Ukraine đã có thể ngăn cản và cuối cùng đảo ngược được đà tiến của quân Nga đến thủ đô Kiev.
Vai trò của tên lửa Javelin đối với các lực lượng Kiev trong cuộc chiến với Nga quan trọng đến mức một số người Ukraine thậm chí đã sáng tác nhạc và vẽ tranh cổ động về nó.
Tên lửa vác vai Javelin được thiết kế có thể tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương từ khoảng cách hơn 3km. Ảnh: Frontier
Các chuyên gia cho biết, Javelin có sự kết hợp đáng sợ giữa sức mạnh và độ chính xác. Đó là một vũ khí điều khiển chính xác, có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, cho phép các binh sĩ tìm chỗ ẩn nấp nhanh chóng sau khi bắn. Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách đó hơn 3km và nhắm trúng tháp pháo ở nóc xe tăng, phần dễ bị tổn thương nhất của các xe tăng Nga.
Theo tạp chí Economist, Washington và các đồng minh phương Tây đã cung cấp tổng cộng hơn 60.000 vũ khí chống tăng cho Kiev. Ngoài tên lửa Javelin, chúng còn bao gồm các hệ thống Panzerfaust từ Đức và vũ khí chống tăng thế hệ tiếp theo (NLAWS) từ Anh và Thụy Điển. Cùng với các loại khí tài khác, chúng đã giúp ích rất nhiều cho khả năng kháng cự và phản kích của quân đội Ukraine.
Hơn 3.000 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Nga ở Ukraine đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị vứt bỏ hay bị bắt giữ, theo chuyên trang theo dõi tình báo mã nguồn mở Oryx. Tuy nhiên, khi các lực lượng Nga thu hẹp chiến dịch tấn công quân sự để tập trung vào vùng Donbass, Kiev vẫn cần nhiều vũ khí hơn.
Chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ước tính, hơn 10.000 xe bọc thép của Nga vẫn đang hoạt động và thêm hàng nghìn phương tiện khác đang trong kho dự trữ của Moscow, sẵn sàng được điều động tham chiến ở nước láng giềng.
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thêm khoản viện trợ quân sự khổng lồ, lên tới 20 tỷ USD dành cho Ukraine. Song, sự hỗ trợ dưới dạng tên lửa Javelins và các hệ thống chống tăng khác có thể sớm cạn kiệt. Giới quan sát cho biết, điều này có thể phản ánh sự thiếu năng lực nhiều hơn là sự thiếu thiện chí.
Ước tính tổng số tên lửa Javelin Mỹ đã sở hữu. Đồ họa: The Economist
Căn cứ vào các tài liệu ngân sách của quân đội Mỹ, nước này đã mua khoảng 34.500 tên lửa Javelin kể từ khi loại vũ khí này được triển khai vào năm 1996. Việc mua sắm tăng đáng kể trong những năm đầu 2000 khi Mỹ bị cuốn vào 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, kể từ đó, tốc độ mua sắm đã giảm.
Nhà chức trách Mỹ không tiết lộ chi tiết về số lượng Javelin còn trong kho. Song, ông Cancian cho rằng, Mỹ đã sử dụng từ 12.500 - 17.500 tên lửa chống tăng hạng nhẹ này để huấn luyện và thử nghiệm. Điều đó đồng nghĩa trong kho dự trữ của quân đội Mỹ còn khoảng 17.000 - 22.000 quả, chưa kể số đã được dùng trong chiến đấu. Trừ bớt ít nhất 7.000 tên lửa phía Mỹ đã bán hoặc tặng cho Ukraine kể từ năm 2018, Washington hiện có thể còn chưa tới 10.000 quả trong kho. Nói cách khác, chính quyền Biden có thể đã cho đi 1/3 kho dự trữ Javelin của họ.
Không chỉ Ukraine cần Javelin. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng đang tích cực mua sắm để tái vũ trang. Trong khi, chỉ riêng việc bổ sung dự trữ của Mỹ đã mất nhiều thời gian.
Hãng công nghệ quân sự Lockheed Martin, nhà sản xuất Javelin chỉ có khả năng chế tạo 2.100 tên lửa mỗi năm và thường phải mất tới 32 tháng sau khi nhận một đơn đặt hàng mới bàn giao sản phẩm. Về lý thuyết, công ty có thể xuất xưởng tới 6.480 quả Javelin một năm nhờ làm việc tăng ca, nhưng thực tế là các nhà sản xuất vũ khí đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân và phụ tùng thay thế, đặc biệt là các chất bán dẫn.
Ngoài ra, Mỹ hiện cũng còn số lượng ít Stinger, một tên lửa phòng không vác vai di động với nhiều bộ phận kiểu cũ, khó tìm. Nhiều chuyên gia quốc phòng nhận định, tình trạng thiếu hụt như vậy là một cảnh báo về đầu tư không đầy đủ của Mỹ vào đạn dược. Vào năm 2018, một hội đồng chuyên gia an ninh quốc gia được chính phủ ủy quyền nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng kho dự trữ đạn dược của xứ sở cờ hoa.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể kích hoạt đầu tư như vậy. Hôm 3/5, Tổng thống Biden đã đến thăm cơ sở chuyên sản xuất Javelin của Lockheed Martin ở bang Alabama. Lãnh đạo Nhà Trắng đã sử dụng chuyến đi này để một lần nữa kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 20 tỷ USD cho Kiev, với một phần trong số đó sẽ hướng tới việc tăng sản xuất tên lửa chống tăng.
Năm 2022, giá của Javelin vào khoảng 350.000 USD/quả. Nếu các đơn đặt hàng tăng lên, Lockheed Martin và đối tác Raytheon trong liên doanh Javelin có thể sẽ tăng cường xuất xưởng loại tên lửa này cho người Ukraine.