Vì sao lợi nhuận VietBank quý 3 đột biến, nợ xấu tiếp tục tăng?
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của VietBank tăng 65% so cùng kỳ khi đạt 2.113 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 653 tỷ, gần gấp đôi cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, VBB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với nguồn thu chính tăng mạnh 144% so cùng kỳ, lên mức 852 tỷ đồng.
Theo VietBank, ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng từ quý 3/2024 và cải thiện chi phí huy động vốn nên thu nhập lãi thuần tăng.
Các nguồn thu ngoài lãi lại ghi nhận sự biến động tăng giảm khác nhau. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 42% lên 46 tỷ đồng từ nguồn dịch vụ ngân hàng số.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 27% về còn 18,5 tỷ đồng do tỷ giá thị trường biến động không thuận lợi.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư lao dốc 81% xuống vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng do diễn biến lãi suất trên thị trường không thuận lợi nên ngân hàng thực hiện giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm.
Đặc biệt lãi thuần từ hoạt động khác âm hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 658 triệu đồng, do sụt giảm các khoản thu nợ đã xử lý rủi ro.
Kỳ này, VietBank tăng vọt chi phí dự phòng tới 551% lên 132 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng chung (dư nợ tăng) và đồng thời ngân hàng tăng chi phí trích lập dự phòng cụ thể nhằm tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, nâng cao chất lượng tài sản.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt mức khả quan 327 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của VietBank tăng 65% so cùng kỳ khi đạt 2.113 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 653 tỷ, gần gấp đôi cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản có của VietBank tăng 9,9% so đầu năm, lên mức 151.957 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 80% xuống còn 1.849 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng khả quan 13,8% lên 91.953 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, tiền gửi của khách hàng chiếm 91.497 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so đầu năm.
Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối tháng 9/2024, nợ xấu của VietBank tiếp tục tăng mạnh 46% so đầu năm, lên mức 3.031 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 20% lên 1.710 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ gấp 3,2 lần lên 807 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 29% lên 513 tỷ đồng.
Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,56% của đầu năm lên 3,3%, nhưng giảm so mức 3,44% của tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua.