Vì sao một số nội dung, chủ trương chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Với câu hỏi nội dung nào chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai chưa thể chế hết quan điểm, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vậy dự thảo Luật Đất đai đã thể chế các quan điểm, định hướng gì trong các Nghị quyết của Trung ương, những nội dung nào chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai?

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Với câu hỏi này, theo ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình rà soát việc thể chế chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW cho thấy còn có một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai mà cần được thể chế hóa trong các Luật có liên quan vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai như quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế;

Quy định cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách nhà nước;

Quy định xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… trong pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Tại Tờ trình số 276/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng các Luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác.

Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu xây dựng dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhất quán một quan điểm là Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai;

Đồng thời, phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội.

Đặc biệt, đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Cụ thể, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng được sửa đổi theo hướng đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất....

Về giao đất, cho thuê đất, ,cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.

Về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo Luật quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia;

Quy định cụ thể trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc, quy định về việc phối hợp giữa UBND cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Xác định rõ thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất và việc xử lý đối với trường hợp người có đất bị thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp khi tổ chức việc thu hồi đất.

Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền.

Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án;

Về tài chính đất đai, giá đất: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất;

Quy định UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua Bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung áp dụng từ ngày 1/1 của năm đó.

Trường hợp trong năm áp dụng Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, UBND tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Hoàn thiện quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy định về đất sử dụng đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, hoạt động lấn biển: Quy định rõ các loại đất được sử dụng đa mục đích gồm: Đất nông nghiệp kết hợp với thương mại dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;

Đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; Đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ và các mục đích khác; đất có mặt nước kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ;

Đất sử dụng vào các mục đích được kết hợp để xây dựng điểm thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ; quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời. Quy định cụ thể về nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, hoạt động lấn biển;

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Như vậy, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, những quan điểm, chủ trương của Đảng mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc nghiên cứu thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/vi-sao-mot-so-noi-dung-chu-truong-chua-duoc-the-che-trong-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-d192293.html