Vì sao mức bảo hiểm cho tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz tăng gấp 10 lần?
Mức bảo hiểm cho các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz đã tăng gấp 10 lần trong 2 tháng qua kể từ khi xảy ra cuộc tấn công đầu tiên đối với các tàu chở dầu ngoài khơi UAE.
Số liệu trên được hãng tin CNBC trích dẫn phát biểu của một giám đốc điều hành công ty vận tải biển. Các vụ tấn công đối với tàu chở dầu tại Trung Đông càng củng cố thêm dự đoán về giá dầu sẽ tiếp tục leo dốc, nhiều khả năng không bắt nguồn từ các yếu tố cơ bản, như nguồn cung bị gián đoạn, mà do mức phí bảo hiểm cao hơn.
Sự cố đầu tiên trong chuỗi các sự kiện khiến căng thẳng địa chính trị tại vùng Vịnh leo thang diễn ra vào cuối tháng 5, khi truyền thông Trung Đông đưa tin 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi cảng Fujairah, ở vịnh Ba Tư và gần Eo biển Hormuz.
Khoảng 2 tuần sau đó, ngày 13/6, thêm 2 tàu chở dầu khác bị tấn công tại vịnh Oman, gần Eo biển Hormuz. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo lên một nấc thang mới sau khi phía Tehran bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ hôm 20/6. Iran cáo buộc chiếc UAV xâm phạm không phận nhưng Mỹ khẳng định vị trí nó bị bắn hạ cách bờ biển Iran 34km và thuộc không phận quốc tế.
Sau khi chính phủ Mỹ cáo buộc Iran liên quan đến cả 2 vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu tại vùng Vịnh, giới phân tích nhận định sự cố với UAV của Mỹ sẽ khiến hai nước rơi vào cuộc đối đầu quân sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch tấn công trả đũa nhưng rút lại vào phút chót.
Mặc dù Washington và Tehran đã tránh được cuộc xung đột quân sự, giá dầu thế giới nhảy vọt sau 2 sự cố đối với tàu chở dầu tại Trung Đông, vụ chiếc UAV của Mỹ bị bắn hạ cùng với mức bảo hiểm cho các tàu chở dầu vượt Eo biển Hormuz tăng mạnh.
Eo biển Hormuz là điểm trung chuyển dầu thô lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 30% tổng lượng “vàng đen” giao dịch trên biển. Eo biển quan trọng tại Trung Đông, vốn chưa bao giờ được đánh giá thực sự an toàn, hiện ngày càng trở nên mất ổn định hơn sau các cuộc tấn công vừa qua.
“Những thuyền viên có nhiều quốc tịch khác nhau và các con tàu chở dầu đến từ nhiều quốc gia đều phải đi qua eo biển trọng yếu tại Trung Đông này”, Chủ tịch của Hiệp hội sở hữu tàu chở dầu quốc tế Paolo d’Amico nói với tờ New York Times sau vụ tấn công tàu chở dầu thứ hai. Ông Paolo d’Amico nhấn mạnh: “Nếu các tuyến hàng hải đi qua eo biển Hormuz bị đe dọa, nguồn cung dầu mỏ cho các nước phương Tây có thể gặp rủi ro”.
Cũng có chung mối lo ngại trên, ông Anthony Gurnee - Giám đốc điều hành Công ty vận tải biển Ardmore Shipping nói với hãng tin CNBC trong tuần này: “Với tư cách là một công ty vận chuyển trong lĩnh vực vận tải biển toàn cầu, nguy cơ mất an ninh tại Eo biển Hormuz đang đe dọa nghiêm trọng đến đội tàu và các thuyền viên của chúng tôi”.
Theo ông Gurnee, hiện chi phí thực tế dành cho mức bảo hiểm thông thường để quá cảnh qua Eo biển Hormuz đã tăng gấp 10 lần trong 2 tháng qua do hậu quả của các cuộc tấn công đối với tàu chở dầu tại vùng Vịnh.
Giới phân tích cho rằng các vụ tấn công tàu chở dầu có ảnh hưởng với giá dầu nhiều hơn so với quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày đến tháng 3/2020 của các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Giá “vàng đen” tăng vọt vào cuối tháng 6 sau khi các báo cáo cho biết các công ty bảo hiểm đang tăng mức phí bảo hiểm đối với các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz.
Những hậu quả từ sự cố với các tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man trong tháng 5 và tháng 6 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu trừ khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran, và Iran với Ả Rập Saudi hạ nhiệt, đó là điều chắc chắn. Chi phí dành cho bảo hiểm tăng cao chỉ là một khía cạnh của hiệu ứng này, bởi căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có nguy cơ khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn.
Phát biểu trên tờ NYT của Mỹ, chuyên gia phân tích hàng hóa Helima Croft của RBC lưu ý: “Những biến động của giá dầu thô sau các cuộc tấn công tàu chở dầu làm nổi bật tầm quan trọng của Eo biển Hormuz như một động mạch dầu toàn cầu mặc dù nhiều nhà giao dịch cho rằng sản xuất dầu của Mỹ có thể bù đắp bất kỳ sự sụt giảm nào về nguồn cung ở nơi khác. Chuyên gia Croft khẳng định rằng thị trường sẽ không bao giờ tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại một khu vực bằng dầu đá phiến của Mỹ.