Vì sao Nghệ An chưa giải được 'bài toán' nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may

Tại Nghệ An, dệt may là một trong những ngành nằm trong Top có kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất của ngành hàng này đang yếu và thiếu, các doanh nghiệp chủ yếu là gia công nên nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cần giải bài toán phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập khẩu

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tỉnh này có 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động. Trong số có chưa đến 20 cơ sở phụ kiện, 1 cơ sở thêu và còn lại là các cơ sở dệt thủ công khác.

Thời gian qua, ở Nghệ An rất nhiều nhà máy may được xây dựng nhưng chủ yếu là may gia công giá trị thấp. Đại diện một số doanh nghiệp (DN) dệt may Nghệ An cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may DN phải tuân thủ quy định liên quan đến môi trường, đòi hỏi chi phí sản xuất nguyên liệu tăng lên rất cao. Đó là lý do vì sao đến nay chúng ta chưa có nhà máy nhuộm nào trên địa bàn. Thế nên công nghiệp dệt, nhuộm nhưng sản xuất dệt, nhuộm vẫn đang ở “vùng trũng”, dẫn đến địa phương này đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.

Qua thực tế có thể thấy, sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về nguồn nguyên liệu vẫn ở mức rất cao. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rõ nhất hạn chế này. Không ít DN dệt may như "đứng ngồi không yên" vì các đối tác cung cấp nguyên, phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20 - 30% năng lực sản xuất toàn ngành.

Ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Ông Ngô Xuân Lộc - Phó Giám đốc Công ty May Nghi Lộc thuộc Tổng công ty Cổ phần dệt may Hà Nội (HANOSIMEX) - cho biết: "Chủ yếu hiện tại các nhà máy chỉ may gia công, nguyên phụ liệu ngành này đang phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Nguyên phụ liệu ngành dệt may hầu hết đang còn yếu, nguyên phụ liệu của địa phương chỉ có bao nilon và thùng carton đóng hàng xuất khẩu...".

Ngoài sợi, nhuộm, các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong quá trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt - may; các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... hiện nay nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nhập khẩu là chính; các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt - may (ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...); các sản phẩm hóa chất hỗ trợ chủ yếu cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); nguyên phụ liệu hỗ trợ chủ yếu cho ngành may như chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo... cũng đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, yêu cầu của Hiệp định CPTPP thì sản phẩm phải rõ ràng xuất xứ từ sợi trở đi. Lâu nay năng lực sản xuất hàng dệt may của Nghệ An rất lớn vì nguồn nhân công dồi dào, chịu khó, tiếp thu kiến thức đào tạo tốt, giá nhân công không quá đắt. Nhưng xuất khẩu hàng dệt may động chạm đến vấn đề nguyên liệu đầu vào, đầu tiên là vải. Khó khăn về nguyên liệu khiến ngành dệt may vẫn trong vòng luẩn quẩn là nhập bông về xe sợi, song bán sợi rồi lại nhập vải. Ở Nghệ An vẫn chưa có công nghệ dệt thành vải. Do vậy, hầu hết nguyên phụ kiện phải dựa vào thị trường nhập khẩu. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, ngành này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Tuấn, giai đoạn 2021-2025, định hướng xuất khẩu nhóm mặt hàng này theo hướng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt, may mặc trên cơ sở đầu tư công nghệ dệt nhuộm vải, công nghệ cắt, may mặc; chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn việc mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiến và phát triển thị trường mới. Ưu tiên kêu gọi đầu tư một số DN có công nghệ hiện đại, sản xuất giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tập trung các nhóm hàng giày da, ví, túi xách…phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 755 triệu USD. Tập trung tại các thị trường có nhu cầu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các hiệp định thương mại tự do yêu cầu hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Vì vậy, việc sớm phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho dệt may Việt Nam.

Thu hút dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành may

Theo Sở Công Thương Nghệ An, có một thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nhỏ hơn mức 0,5%. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển dẫn đến các DN phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu vào do tiền chuyên chở, kho vận, bảo hiểm... tăng lên, chưa kể rủi ro về thời gian nhận hàng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Vì thế, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển công nghiệp bền vững.

Theo ngành công thương Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng xuất khẩu nhóm mặt hàng dệt may theo hướng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa

Theo ngành công thương Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng xuất khẩu nhóm mặt hàng dệt may theo hướng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa

Phần lớn các DN phụ trợ này chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó chưa thu hút được nhiều các tập đoàn đa quốc gia đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ vào ngành công nghiệp mũi nhọn để làm đầu tầu thúc đẩy hình thành hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các DN này.

Tại Hội thảo khoa học công nghiệp Nghệ An đến năm 2030, phối hợp giữa UBND tỉnh Nghệ An với Viện Kinh tế Việt Nam (vào trung tuần tháng 5/2018) nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý về định hướng chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp Nghệ An đúng hướng, nhanh hơn, mạnh hơn, TS. Lê Xuân Sang - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành dệt may chưa phát triển là do bất lợi về địa kinh tế của Nghệ An khiến thu nhập, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề phát triển lực lượng DN, ngành hàng còn tương đối thấp. Việc xa các trung tâm, cực tăng trưởng của cả nước và các hành lang kinh tế, thương mại quốc tế… là những nhân tố khiến Nghệ An vẫn gặp khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư nhất là khó thu hút các tập đoàn đặt cơ sở sản xuất dẫn đến các công ty nước ngoài ít đầu tư vào.

Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An vẫn còn rất hạn chế. Khả năng liên kết được với các DN trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu linh kiện phụ tùng yếu.

"Để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất, cần có định hướng, mục tiêu cùng với hệ thống cơ chế chính sách và những giải pháp thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Mục tiêu phát triển công nghiệp Nghệ An trong những năm tới là vừa ưu tiên các ngành có lợi thế cạnh tranh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh các ngành sản xuất thành phẩm cuối cùng…", ông Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 34,9%, xơ sợi dệt các loại đạt tăng 75,7%. Năm 2022, kim ngạch ngành dệt may tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khá song khó khăn nhất với ngành này vẫn nằm ở bài toán nguyên liệu, các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may.

Nghệ An đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-nghe-an-chua-giai-duoc-bai-toan-nguyen-phu-lieu-cho-nganh-det-may-172805.html