Vì sao nghiên cứu khoa học của nhiều trường ĐH còn nhỏ, lẻ, tản mạn?

Đa số các trường đại học ở nước ta mới chỉ chú trọng tới hoạt động đào tạo. Nhiệm vụ NCKH và chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế và khiêm tốn.

Trong khi ở các nước phát triển trên thế giới, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn thu của trường đại học thì ở nước ta, hoạt động này tại hầu hết các trường hầu như chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng là một trong những sứ mạng và chiến lược của các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và trong cả nước.

Đây cũng là một trong hai chức năng nhiệm vụ chính của các trường đại học, bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học. Đồng thời là điểm khác biệt quan trọng của các trường đại học so với các tổ chức khoa học và công nghệ khác.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa số các trường đại học ở nước ta mới chỉ chú trọng tới hoạt động đào tạo. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế và khiêm tốn.

NGHIÊN CỨU CỦA CÁC TRƯỜNG VẪN CÒN NHỎ, LẺ, TẢN MẠN, CHƯA CÓ ĐÓNG GÓP NỔI BẬT

Để giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu thập thông tin nguồn thu của một số trường đại học như sau:

Nhìn vào bảng thống kê, chúng ta dễ dàng nhận thấy sau khi tiến hành tự chủ (bao gồm các trường tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn), nguồn ngân sách từ nhà nước bị cắt giảm, để đảm bảo chi phí hoạt động, đa số các trường đều lựa chọn giải pháp trước mắt chính là tăng học phí. Nguồn thu từ học phí có khi chiếm tới hơn 90% tổng nguồn thu ở một số trường đại học.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số khó khăn của các trường đại học khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học tại cơ sở như:

Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ở đại học nói chung và các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo còn rất thấp;

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận định chính hạn chế về cơ sở vật chất đã tác động tới các nghiên cứu của giảng viên trong trường, khiến họ chưa có nhiều cơ hội để chứng minh tính thực tiễn.

Tiếp theo, số lượng các công bố quốc tế mặc dù đạt kết quả khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng còn hạn chế so với yêu cầu và tiềm năng; các nhà khoa học thạo về chuyên môn nhưng vẫn mất thời gian và phải xử lý thủ tục giải ngân với quá nhiều quy định, thủ tục hành chính.

Cụ thể, theo Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh, các thủ tục hành chính có phần khá phức tạp “là một yếu tố tác động đến tâm lý của giảng viên trong trường, dẫn đến việc ngại triển khai các đề tài, công trình nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan chính phủ”.

Về công tác quản lý, Bộ mới tập trung quản lý hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ, chưa có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ của các trường ngoài công lập.

Những nghiên cứu của các trường vẫn nhỏ, lẻ, tản mạn, chưa có đóng góp nổi bật tạo bước chuyển biến thật sự đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, sự gắn kết các viện nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo còn lỏng lẻo. Viện nghiên cứu đang còn đứng khá xa với các cơ sở giáo dục đại học trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu của 2 phía.

Hơn nữa, một số đơn vị chưa xây dựng và ban hành được các chế tài tín dụng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ như Quỹ phát triển khoa học công nghệ, chưa có chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực khác nhau đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ của đơn vị.

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH RẮC RỐI ĐANG "BÓ DÂY" CÁC NHÀ KHOA HỌC

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế trên là những vướng mắc về hành lang pháp lý gây khó khăn cho việc triển khai tại đơn vị.

Ví dụ như cơ sở pháp lý để thành lập và tổ chức hoạt động Quỹ đầu tư và phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học chưa được ban hành.

Ghi nhận khó khăn tại các trường đại học, hiện nay trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án quốc tế, khó khăn trong việc xác định loại hình dự án có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 80/2020/NĐ-CP để thực hiện hồ sơ xin phê duyệt dự án.

Trường Đại học Đà Lạt gặp khó về nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu khoa học tương đối thấp, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào nghiên cứu khoa học chưa thực sự hiệu quả, nên chưa khuyến khích được đội ngũ nhà khoa học, giảng viên tham gia tích cực. nghiên cứu khoa học còn vướng mắc nhiều ở thủ tục hành chính.

Hay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện nay các văn bản hướng dẫn cấp Bộ, nhà nước cũng chưa cụ thể ví dụ như về sở hữu trí tuệ trong trường đại học, quy định về đạo đức trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh.

Ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội chưa hình thành đơn vị chức năng chuyên nghiệp hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp còn chậm, đa số các kết quả nghiên cứu chưa có tính ứng dụng cao.

Thứ hai, Nghị định quản lý quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học đang dự thảo, chưa ban hành.

Thứ ba, nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ đó còn hạn chế, chưa thể đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu.

Thứ tư, đề tài ứng dụng chưa tạo ra sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Cần Thơ cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả từ nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học hiện nay còn chưa cao.

“Nghiên cứu trong đại học đa số dừng lại ở nhiệm vụ khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín trong danh mục quy định của hội đồng chức danh giáo sư Nhà Nước... để tăng uy tín cho nhà khoa học, trong khi các nghiên cứu sản phẩm có thể thương mại hóa và xác lập tài sản bằng sở hữu trí tuệ chưa nhiều, kết quả nghiên cứu chỉ dừng lại trong quy mô phòng thí nghiệm, khó có thể chuyển giao quy mô thương mại”.

Thứ năm, một số văn bản pháp luật hiện hành còn có nhiều ràng buộc, tạo ra những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị. Do cơ chế của các bộ, ngành nên Nhà trường chưa tổ chức được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên vùng, liên ngành để tranh thủ kinh phí ngoài bộ chủ quản và cấp nhà nước.

Ngoài ra, giảng viên đại học - lực lượng nghiên cứu chính còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thực tiễn và điều kiện cập nhật thông tin và vẫn tồn tại tình trạng quá tải về công việc giảng dạy.

Về lực lượng nghiên cứu, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Quang Vinh cho biết thêm thực trạng này tại trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng:

“Lực lượng tham gia nghiên cứu chính là các học viên cao học, nghiên cứu sinh còn chưa nhiều nên giảng viên phải tự thực hiện các ý tưởng nghiên cứu đồng thời cần đảm bảo việc giảng dạy, dẫn đến các hạn chế khi triển khai nghiên cứu cũng như áp dụng công nghệ.

Đa số giảng viên của trường hiện nay có độ tuổi trẻ, quay về trường giảng dạy sau thời gian dài học tập và nghiên cứu tại nước ngoài nên mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn để có thể đưa ra các ý tưởng sát với thực trạng của Việt Nam”.

Ngoài ra, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh chỉ ra thêm một nguyên nhân khiến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường hiện nay chưa đạt hiệu quả cao chính là sự không đồng nhất về cung và cầu giữa 2 bên, trường và doanh nghiệp, cụ thể:

“Các hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn chỉ tập trung vào một số mảng như môi trường, quản lý tài nguyên, xử lý chất thải, quản lý hệ thống điện, xây dựng cầu đường mà chưa trải đều cho tất cả lĩnh vực nghiên cứu của giảng viên trong trường, đặc biệt là các mảng ứng dụng công nghệ cao.

Có thể nói nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc các doanh nghiệp của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến nghiên cứu và phát triển (R&D), cập nhật công nghệ để cải thiện hiệu năng, đa số vẫn sử dụng các công nghệ cũ.

Trong khi đó, các mảng nghiên cứu của giảng viên trong trường (đa số được đào tạo tại các nước tiên tiến) hầu hết sử dụng công nghệ mới, do vậy, có sự không đồng nhất về cung và cầu giữa 2 bên, trường và doanh nghiệp”.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-nhieu-truong-dh-con-nho-le-tan-man-post230033.gd