Vì sao người bệnh đến tuyến cuối vẫn phải chuyển viện?
Được chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức điều trị, tuy nhiên khi có chỉ định phẫu thuật, nam bệnh nhân lại phải chuyển viện
Do bệnh tình phức tạp, bệnh nhân N.V.C, 51 tuổi, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) được chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để thăm khám và điều trị tiếp.
Nam bệnh nhân cho biết cách đây 1 tháng ông liên tục có những cơn đau buốt tại cột sống lưng. Đi khám và chụp cộng hưởng từ bác sĩ phát hiện bị thoát vị đĩa đệm cột sống.
Có chỉ định mổ nhưng bệnh viện hết vật tư
Có thẻ BHYT nên ông N.V.C. đã đến bệnh viện địa phương ở huyện Thạch Thất thăm khám, chụp chiếu, rồi được chuyển lên bệnh viện thành phố và tiếp tục được chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt.
"Ngày 16-12, vợ chồng tôi có mặt tại Bệnh viện Việt Đức để thăm khám. Tại phòng khám cột sống bác sĩ chỉ định chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm để đánh giá. Sau khi có kết quả, ngày 18-12, bác sĩ hội chẩn và đề nghị tôi làm bổ sung đo điện cơ tại một phòng khám ở ngoài bệnh viện với chi phí hơn 1,3 triệu đồng. Trưa 19-12, bác sĩ tiếp tục hội chẩn lần 2 và kết luận tôi bị thoát vị đĩa đệm, có chỉ định phẫu thuật thay đĩa đệm. Tuy nhiên, ngay sau đó bác sĩ thông báo bệnh viện hiện hết vật tư và hẹn 1 tháng nữa mới có. Bác sĩ cũng có nói nếu tôi không chờ được có thể chuyển viện"- bệnh nhân C. nói.
Theo nam bệnh nhân này, vợ chồng ông rất bất ngờ và bức xúc khi nghe thông báo này vì bản thân ông liên tục bị những cơn đau nhức vùng thắt lưng hành hạ, không thể đi lại bình thường mà phải chống nạng với sự hỗ trợ của người thân.
Nhiều ngày qua vợ chồng bệnh nhân này chật vật xếp hàng từ sáng sớm để chụp chiếu, xét nghiệm. Cả hai vợ chồng phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện đi lại nhưng vẫn không được mổ.
"Điều khiến tôi lo lắng là khi chuyển viện có phải chụp chiếu đánh giá lại không, có được phẫu thuật không? Bởi lẽ, Bệnh viện Việt Đức cũng là tuyến cuối cùng rồi. Tuy nhiên, vì đau đớn không thể chịu được nên chiều 19-12 tôi vẫn xin chuyển viện. May mắn, khi chuyển sang Bệnh viện Trung ương quân đội 108, tôi đã được sắp xếp lịch mổ. Dự kiến, trong tuần này tôi được phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống"- nam bệnh nhân nói.
Trước đó, chị H.L. (ở Hà Nội) có người nhà phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết dù người nhà có BHYT nhưng bản thân chị phải chạy đi mua từ bông gạc, kim tiêm, đến thuốc giảm đau... hết hơn 3 triệu đồng.
"Rõ ràng là bệnh viện đầu ngành nhưng "thiếu đủ thứ", còn mấy hiệu thuốc ngoài cổng bệnh viện thì không thiếu một thứ gì"- chị L. chia sẻ.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Việt Đức khiến nhiều người bệnh phải chờ đợi lâu mới được xếp lịch phẫu thuật.
Nhiều tháng trước, lãnh đạo bệnh viện này cho biết về cơ bản, các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua đã tháo gỡ một số khó khăn trước đó.
Thậm chí, lãnh đạo bệnh viện còn cho rằng "thời gian khó khăn nhất với bệnh viện đã qua rồi, các gói thầu có kết quả và bệnh viện cũng đã gọi đơn vị cung cấp".
Về thuốc điều trị, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng khẳng định không thiếu thuốc điều trị cho người bệnh, nhưng tình trạng chung của nhiều bệnh viện công đều đang thiếu là những thuốc không có thuốc thay thế (thuốc tương đương sinh học) và không mua sắm được.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư nhưng bệnh viện không báo cáo
Mới đây, tại cuộc họp cung cấp thông tin báo chí về việc người dân phản ảnh hiện vẫn còn thiếu thuốc, thiếu vật tư tại một số bệnh viện ở Hà Nội, trong đó có Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương..., Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là một bài toán khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Bà Lan cho biết thời gian qua Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản, quy định để các bệnh viện có thể thực hiện mua sắm.
Về phản ánh thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Việt Đức bà Lan cho biết Bộ Y tế từng về làm việc với bệnh viện về vấn đề này.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết hiện Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của bệnh viện nào về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.
"Riêng việc thiếu thuốc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng tôi sẽ yêu cầu giám đốc các bệnh viện báo cáo sớm, nắm rõ xem nguyên nhân thiếu thuốc ở đâu, giải quyết vấn đề này thế nào"- bà Lan khẳng định.