Vì sao người dân ngại vay mua nhà?
Một khảo sát cho thấy 70% người được hỏi cho biết đợi lãi suất ngân hàng giảm tiếp mới vay mua nhà. 65% cho rằng lãi suất vẫn đang cao và rất cao. Trong khi đó, 'ma trận' thông tin trên thị trường bất động sản khiến người có nhu cầu thực sự về nhà ở bối rối.
Năm hết Tết đến chính là lúc nhiều người có ý định sửa sang nhà ở, mua nhà. Tuy nhiên, rất đáng chú ý khi Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng một số doanh nghiệp lợi dụng quyền được công bố thông tin để điều hướng dư luận, dẫn dắt sai lệch phục vụ lợi ích cá nhân, thậm chí là thổi giá.
Riêng về nhà ở xã hội - loại hình nhà ở giá rẻ rất được người dân trông đợi, theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: nhà ở, cư trú, thu nhập. Tuy nhiên, Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ điều kiện cư trú, nghĩa là người dân muốn mua nhà loại này không cần có đăng ký thường trú, hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình. Thông tin trên khiến nhiều người phấn khởi.
Nhưng, quan trọng nhất vẫn là giá nhà, khi mà thu nhập của người lao động luôn phải “chạy theo”. Nhiều nghiên cứu đưa ra kết quả khác nhau, dao động trong khoảng việc người lao động phải tích lũy từ 25 năm đến 37 năm mới có thể mua được nhà ở xã hội.
Trở lại với việc giao dịch mua bán căn hộ thời điểm này, có thể thấy có 3 nguyên nhân chính khiến người mua ngại “xuống tiền”. Một là, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội, TPHCM được cho là “tăng thẳng đứng”, có nghĩa là trong lúc thị trường bất động sản rất ít giao dịch thì giá căn hộ (phân khúc trung bình) đã không xuống, ngược lại vẫn tăng. Tại Hà Nội, giá căn hộ 25 triệu đồng/m2 đã “biến mất” từ lâu. Phổ biến hiện nay từ 40 - 45 triệu đồng/m2 nếu không quá xa trung tâm.
Như vậy, nếu muốn mua được 1 căn hộ khoảng 70m2, ở thời điểm này người mua nhà phải bỏ ra không dưới 3 tỷ đồng, một số tiền quá lớn đối với đa số người có nhu cầu thực về chỗ ở.
Nguyên nhân thứ hai, người mua nhà đợi lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm. Nhìn chung, hầu hết người mua nhà phải vay mượn, trong đó nếu may mắn thì vay được ngân hàng với lãi suất phải chăng. Thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay, vì thế người ta hy vọng lãi suất sẽ còn giảm tiếp.
Và, một nguyên nhân rất quan trọng khác khiến người mua nhà chần chừ là thông tin quá khác nhau về giá nhà, đất. Lúc thì thông tin nhà, đất xuống giá. Lúc thì lại nghe giá đang leo thang. Ngay cả ý kiến của giới chuyên gia tài chính, bất động sản cũng khác nhau. Người thì nói đây là thời điểm thích hợp để người mua “xuống tiền”. Người thì lại nói phải đến hết tháng 6 năm sau mới hy vọng thị trường bất động sản mới hồi phục.
Ai cũng đưa ra những con số, những phân tích nghe chừng rất có lý, khiến người có nhu cầu mua nhà ở không biết đâu mà lần.
Người trong cuộc cho rằng, sở dĩ có những ý kiến “khuyên nhủ” khác nhau như vậy là do các vị được cho là chuyên gia hoặc tự nhận mình là chuyên gia đứng về “phe” doanh nghiệp bất động sản nào. Có nghĩa là họ phân tích, phát ngôn có lợi cho doanh nghiệp mình quan hệ. Điều đó đã biến thị trường bất động sản thành “ma trận” và quyền lợi của người có nhu cầu thực về căn hộ hoặc đất xây nhà ở bị hy sinh.
Theo Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), có nhiều đơn vị công bố báo cáo nghiên cứu tổng quan về thị trường bất động sản. Trung bình mỗi quý người ta có thể tiếp cận được từ 8-10 báo cáo. Những thông tin này có ảnh hưởng nhất định đến thị trường nhưng tính xác thực chưa được đảm bảo. Sự sai khác giữa báo cáo thị trường của các bên khiến người mua nhà, nhà đầu tư đối mặt với việc không biết như thế nào là đúng, là sai.
Năm 2023, kinh tế khó khăn, cả doanh nghiệp lẫn người cùng gặp khó. Đối với người dân, việc quyết định vay tiền mua một căn nhà cũng có nghĩa là một khối tài sản lớn là không hề dễ dàng. Vì thế, tham khảo ý kiến là cần thiết nhưng quan trọng hơn là chính mình tới tận nơi tìm hiểu kỹ lưỡng. Càng ít phụ thuộc vào trung gian càng tốt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-nguoi-dan-ngai-vay-mua-nha-10269985.html