Vì sao người Nhật Bản đi bộ nhiều nhất thế giới?
Cứ nhìn vào giao lộ Shibuya nơi có nửa triệu người tấp nập đi bộ qua lại hàng ngày hay cảnh những học sinh tiểu học tự đi bộ đến trường mỗi ngày là có thể hiểu đi bộ được yêu thích như thế nào ở Nhật Bản.
Vì sao người Nhật lại thích đi bộ như vậy?
Dạy trẻ em đi bộ để tự lập
Ở Nhật Bản, đất nước đi bộ nhiều nhất thế giới, người dân được dạy đi bộ từ khi còn nhỏ. Ngay từ những năm tiểu học, trẻ em đã được bố mẹ cho phép tự đi đến trường. Trong một chuyến thăm Nhật Bản, PV người Mỹ Seth Doane, đài CBS đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến trẻ em Nhật Bản tự giác và tự tin đến trường mà không cần bố mẹ đi cùng, trái ngược hoàn toàn so với ở Mỹ và nhiều nước khác, các bậc phụ huynh thường lo lắng không cho con tự đến trường.
Doane đã theo chân Ryuhei Sato, một cậu bé 7 tuổi sống ở Thủ đô Tokyo Nhật Bản để quan sát một ngày sinh hoạt của em. Như nhiều trẻ em tiểu học khác, từ 5h30 đến 6h30 sáng các ngày thường trong tuần, sau khi ăn sáng ở nhà xong, cậu bé đeo ba lô lên vai và tự đi đến trường. Quãng đường mất khoảng 55 phút di chuyển, trong đó có 10 phút đi bộ từ nhà đến ga tàu, sau đó đi bộ nhiều lần để chuyển tàu và cuối cùng là đi từ ga tàu đến trường.
Bà Yumi Sato, mẹ của Ryuhei chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng lo lắng nhưng ở Nhật các bậc phụ huynh đều khuyến khích con cái tự đi học. Tại trường học của Sato, đây còn là quy định bắt buộc."
Teru Clavel, nhà xã hội học người Mỹ gốc Nhật, sống tại Tokyo cho biết, đây là một nét văn hóa lâu đời ở Nhật Bản, trẻ em thường tự lập ngay khi bước vào tiểu học.
"Yêu con thì hãy để con tự đi trên con đường của mình." - Đây là câu nói nổi tiếng ở Nhật Bản.
Không chỉ trẻ con, người lớn ở Nhật cũng có niềm đam mê lớn với đi bộ. Theo một thống kê được công bố cách đây vài năm ở Nhật, trung bình một người đàn ông Nhật Bản đi bộ khoảng 7.200 bước/ngày, trong khi phụ nữ đi bộ khoảng 6.200 bước/ngày. Hầu hết người Nhật đều đi bộ từ nhà đến ga tàu, bến xe buýt và từ trạm dừng đến công sở. Chỉ tính riêng 23 quận nội thành của Tokyo, mỗi ngày có 28 triệu người sử dụng phương tiện công cộng để đi lại.
Quy hoạch tạo không gian cho đi bộ
Nếu để ý các biển quảng cáo bất động sản ở Nhật sẽ thấy, thay vì đề cập thời gian đi xe máy, ô tô đến các địa điểm trung tâm như ở Việt Nam, người Nhật thường ghi rõ chi tiết từng phút, từng giây thời gian đi bộ từ căn nhà đang rao bán đến ga tàu, bến xe buýt gần đó, bởi đây chính là điều mà người mua nhà ở Nhật quan tâm nhất.
Nhờ quy hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng hợp lý, người Nhật có thêm lý do để từ bỏ ô tô cá nhân, đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng để đi làm hàng ngày. Ví dụ như ở Tokyo, trên các tuyến đường trong khu dân cư, người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối, các phương tiện cơ giới chỉ được phép lưu thông ở tốc độ dưới 20 km/h.
Nhật Bản cũng xây dựng nhiều tuyến đường dưới lòng đất dành cho người đi bộ, kết nối các khu dân cư với ga tàu điện; đồng thời xây dựng các khu trung tâm thương mại ngầm để phục vụ người đi bộ. Một trong những khu trung tâm thương mại ngầm cho người đi bộ nổi tiếng nhất thế giới là Shibuya (Tokyo). Khu vực rộng lớn này được so sánh tương tự như Quảng trường Thời đại của Mỹ với 10 lối rẽ và 5 lối sang đường dành cho người đi bộ. Vào giờ cao điểm, khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật sáng, chúng ta có thể chứng kiến cảnh lượng người đi bộ khổng lồ tràn xuống đường như thác đổ, nhanh chóng lấp kín khu vực Trung tâm Shibuya rộng lớn. Theo thống kê vào năm 2016 của Trung tâm dịch vụ phố Shibuya, mỗi khi đèn xanh bật sáng (khoảng 2 phút), có khoảng 3.000 người đi qua giao lộ này. Ngay cả vào những ngày đi làm thì đây cũng là nơi lui tới của khoảng 500.000 người đi bộ/ngày.
Cơ sở hạ tầng thân thiện cho người già và người khuyết tật
Là quốc gia có dân số già, Nhật Bản dành nhiều sự quan tâm đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng đi bộ an toàn và thân thiện với người già, người khuyết tật. Đặc biệt, tại Tokyo, chính quyền thành phố đã xây dựng một con đường dành cho người đi bộ không có rào chắn, cho phép mở rộng vỉa hè dọc các tuyến đường huyết mạch và các trục đường chính khác. Tùy theo không gian đường, một số nơi có vỉa hè đủ rộng cho 2 xe lăn tránh nhau. Ngoài ra, chính quyền cũng không tiếc tiền chi cho xây cầu đi bộ, lắp đặt các thiết bị đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng tối ưu cho người đi bộ. Đặc biệt, hầu hết các tín hiệu dành cho người đi bộ đều có âm thanh cảnh báo người khuyết tật về đèn xanh và kéo dài thời gian đèn xanh để người già và người khuyết tật không phải vội vã băng qua đường.
Một số hành động kiêng kỵ khi đi bộ ở Nhật Bản
Một số hành động đi bộ bị coi là bất lịch sự ở Nhật Bản trong đó có vừa đi, vừa ăn. Trên đường phố Nhật Bản luôn có rất nhiều máy bán hàng tự động nhưng mọi người thường đứng gần đó ăn uống xong xuôi rồi mới đi.
Thứ hai, người Nhật không vừa đi vừa hút thuốc. Do mật độ dân cư đông đúc và lượng người đi bộ nhiều nên hành vi vừa đi vừa hút thuốc có thể gây bỏng và tạo mùi khói khó chịu cho những người xung quanh.
Thứ ba, người dân xứ sở hoa anh đào không nói chuyện ồn ào khi đi dạo, thậm chí là nói chuyện điện thoại vì sẽ gây khó chịu cho người khác. Nếu cần gọi điện thoại, họ sẽ tìm một góc yên tĩnh và hạ giọng.
Một số địa phương còn cấm người đi bộ dùng điện thoại khi di chuyển. Khi điện thoại thông minh phát triển, thành phố Yamato gần Tokyo cũng cấm người đi bộ “dán mắt” vào điện thoại khi di chuyển. Trên vỉa hè hay trong công viên, địa phương này đều phát loa thông báo cấm sử dụng điện thoại khi đi bộ.