Vì sao người Nhật thay đổi quan điểm về mua quần áo 'second-hand'?

Lần đầu tiên 'ông lớn' trong ngành thời trang thường ngày của Nhật Bản Uniqlo mở một cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ tạm thời) bán áo quần đã qua sử dụng tại Tokyo.

Một cửa hàng quần áo cũ tại Harajuku, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Một cửa hàng quần áo cũ tại Harajuku, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Uniqlo gần đây đã mở một cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ tạm thời) nhằm kinh doanh quần áo cũ tại Tokyo, Nhật Bản.

Đây là cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng đầu tiên của “gã khổng lồ” Uniqlo, đồng thời cho thấy những thay đổi trong suy nghĩ của người Nhật đối với thể loại quần áo "second-hand."

Uniqlo là một công ty lớn trong ngành thời trang nhanh, lĩnh vực vốn bị chỉ trích là gây ra một lượng khí thải carbon khổng lồ cũng như số lượng lớn các hạt vi nhựa thải ra môi trường.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản - thị trường trang phục lớn thứ ba thế giới - những tác động to lớn của ngành thời trang nhanh đối với môi trường vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thực sự quan tâm.

Aya Hanada, một nhân viên làm ở bộ phận tái chế của Uniqlo, cho biết sự xuất hiện của cửa hàng quần áo cũ với giá chỉ bằng 1/3 giá trị ban đầu tại quận Harajuku “thời thượng” cho thấy thái độ của người tiêu dùng dang thay đổi.

“Tôi nghĩ rằng thái độ phản đối quần áo cũ đã dần biến mất trong tư tưởng của người Nhật Bản, đặc biệt là ở giới trẻ,” người phụ nữ 45 tuổi thuộc bộ phận RE Uniqlo này cho biết.

Cô cho biết sự thay đổi này một phần nhờ vào các ứng dụng bán hàng trưc tuyến cho phép khách hàng có thể tiếp cận các mặt hàng mà không cần phải đến các cửa hàng quần áo cũ.

Uniqlo thu thập lại quần áo cũ từ khách hàng, sau đó cung cấp lại quần áo với hai hình thức: Những loại đã được làm sạch cẩn thận để tái sử dụng và những loại được nhuộm lại tạo phong cách cổ điển.

Các sản phẩm từ đầu những năm 2000 cũng có mặt trên các danh mục, cho phép khách hàng trải nghiệm màu sắc và kiểu dáng độc đáo từ thời điểm đó. Ngoài ra, khách hàng còn có thể sử dụng những miếng decal dán lên trang phục.

“Mua vì tính chất thời trang”

Tuy nhiên, chuyện tái chế quần áo cũ vẫn cần một chặng đường dài. Theo Bộ Môi trường, 34% quần áo bỏ đi tại Nhật Bản được tái chế hoặc tái sử dụng. Con số này còn bao gồm cả việc xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

 Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, tỉnh Aichi, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, tỉnh Aichi, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Ellen MacArthur, một tổ chức từ thiện tập trung vào việc loại bỏ rác thải và ô nhiễm, trung bình mỗi giây trên toàn cầu sẽ có một xe tải quần áo bị đốt cháy hoặc bị chôn tại bãi rác.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu Thị trường JapanConsuming, mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, ước tính phân khúc đồ cũ của Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 6% trong thị trường quần áo trị giá 75 tỷ USD này.

Michael Causton, người đồng sáng lập JapanConsuming, cho biết trong một thời gian dài ở Nhật Bản, quần áo đã qua sử dụng chỉ là một phân khúc nhỏ dành cho những người sành điệu.

Causton nói: “Có thể so với những nơi như Pháp và Anh, nơi các yếu tố sinh thái, môi trường có thể được đặt lên hàng đầu, thì ở Nhật Bản, quần áo cũ lại được coi như một thứ thời trang.”

Ông cho biết thêm người Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, đó là một yếu tố đặc trưng trong văn hóa Nhât Bản, và đây sẽ là một rào cản đối với việc sử dụng lại quần áo cũ.

Hiệu ứng Mercari

Mercari, nền tảng trực tuyến nổi tiếng của Nhật Bản, cũng là yếu tố kích thích sự tăng trưởng củ thị trường quần áo cũ, với 1/3 giao dịch là các mặt hàng thời trang.

Chuyên gia Causton cho biết, quần áo cũ của Nhật Bản thậm chí còn rất phổ biến ở Trung Quốc và các nơi khác, "bởi mọi người đều biết người Nhật rất giữ gìn quần áo của họ, và những gì họ đưa ra đều có chất lượng cao.”

 Người dân ở trên phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân ở trên phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Charlotte Xu, 18 tuổi, một du khách Australia đang xem xét tại một cửa hàng đồ cũ ở Harajuku, cho biết: “Tôi cảm thấy như ở Nhật Bản, quần áo đã qua sử dụng đều có chất lượng cao… còn nếu không thì họ sẽ ghi rõ là quần áo hư hỏng ở chỗ nào. Ở đất nước tôi, mọi thứ đều chất thành đống, bạn phải tự mình tìm kiếm. Trong khi đó ở đây mọi thứ đều đẹp đẽ và gọn gàng, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy thứ mình muốn.”

Lạm phát

Giá cả tăng cao sau nhiều năm giảm phát đã ảnh hưởng đến ví tiền của người Nhật kể từ năm 2022, và cũng khiến cho một số người không còn ngần ngại khi phải mua lại đồ đã qua sử dụng.

Người phát ngôn của Mercari cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát người dùng vào năm ngoái và kết quả cho thấy quần áo là danh mục được lựa chọn hàng đầu trên Mercari như một biện pháp nhằm đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.”

Nhưng cuối cùng, điều quan tâm nhất đối với người tiêu dùng vẫn chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm.

Yamato Ogawa, 28 tuổi, một khách hàng tại Uniqlo, cho biết: “Tôi hiểu các khía cạnh bền vững của việc sử dụng lại đồ cũ, nhưng tôi thường mua chúng đơn giản vì chúng hợp thời trang”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nguoi-nhat-thay-doi-quan-diem-ve-mua-quan-ao-second-hand-post918941.vnp