Vì sao người xưa dạy: 'Là chủ để khách rửa bát là đại kỵ'?
Người xưa rất tôn trọng lễ nghĩa nên khi đã mời khách phải thể hiện sự chu đáo. Nếu chủ nhà để khách rửa bát là coi thường khách.
Rửa bát là một việc diễn ra thường xuyên trong đời sống. Khi làm khách thì thường được mời cơm, đã có ăn thì có rửa. Trong gia đình, người nấu người rửa cùng nhau vui vẻ chan hòa, báo hiệu gia đình đầm ấm, bình đẳng, chia ngọt sẻ bùi, đó là phong thủy tốt. Bạn bè gặp gỡ cùng nhau nấu ăn rửa bát thể hiện sự hòa đồng, không có kẻ trên người dưới.
Nhưng rửa bát là công việc khá tế nhị trong ứng xử. Bởi từ xa xưa tới nay rửa bát được xem là việc của người giúp việc, người hầu, của những người thân phận thấp, tuổi nhỏ trong nhà. Bởi thế việc rửa bát cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi, có thể làm rạn nứt trong các mối quan hệ.
Người xưa dạy: “Làm khách đừng vào rửa bát, là chủ để khách rửa là đại kỵ”. (Ảnh minh họa)
Làm khách mà rửa bát là hạ thấp bản thân?
Việc rửa bát là việc tế nhị và là việc của người trong nhà. Thế nên khi làm khách mà vào rửa bát chứng tỏ là quá xuề xòa dễ dãi, hạ thấp bản thân. Những người chưa quá thân mà vào rửa bát là sa sút tài vận, biến mình thành osin, giúp việc nhà họ. Người xưa dạy con cháu không kiêu ngạo nhưng cũng đừng quá xuề xòa trong ứng xử, không làm cao nhưng cũng phải giữ tự tôn của bản thân. Nếu làm khách mà vội vào rửa bát là hạ thấp phẩm giá của mình, là việc làm không cần thiết. Bạn làm khách cần được để chủ nhà tôn trọng và đối đãi cẩn thận.
Đặc biệt nếu có tình cảm nam nữ yêu đương khi làm khách nhà bạn trai bạn gái lần đầu thì càng không cần vào rửa bát. Chỉ khi bạn đã qua lại nhiều thì cùng nhau làm, cũng không nên làm một mình, bởi như vậy là họ sẽ dần coi đó là việc của bạn, vị thế của bạn sẽ giảm sút, nảy sinh quan hệ bất bình đẳng trong gia đình. Có rất nhiều nàng dâu cảm thấy bất mãn với gia đình chồng vì cứ ăn xong cả nhà chồng ngồi chơi trong khi nàng dâu rửa bát một mình.
Chủ nhà để khách rửa bát là rạn nứt quan hệ?
Đã mời khách thì phải chu đáo mới giữ được quan hệ. Thế nên chủ nhà lại để khách rửa bát, mà thấy khách rửa còn để khách rửa một mình thì lần sau khách không tới, không muốn kết giao nữa, mất đi quan hệ tốt đẹp. Chủ nhà để khách rửa bát là coi thường khách.
Người xưa rất tôn trọng lễ nghĩa nên khi đã mời khách phải thể hiện sự chu đáo, nếu không mối quan hệ sẽ nhạt dần và tài vận suy giảm, gia đình bị đánh giá là kém giáo dục hoặc không đáng để kết giao. Hơn nữa việc bếp núc trong mỗi gia đình là khác nhau, nên khách vào rửa bát sẽ lúng túng trong việc sắp xếp.
Ảnh minh họa.
Ngày nay thế nào?
Ngày nay việc rửa bát càng được xem là một "tín hiệu" rõ trong ứng xử. Nếu một người tới nhà khác làm khách mà vào rửa bát thì thường là thân phận thấp hơn. Nếu chủ nhà để khách rửa bát thường lần sau khách không muốn tới,trừ trường hợp khách là thân phận thấp hơn muốn níu kéo quan hệ để hưởng lợi ích khác nên buộc lòng phải làm những việc mình không thích.
Bởi thế trong mối quan hệ bình đẳng thì người khách không cần phải rửa bát mới thể hiện đáp lễ bữa cơm được mời. Để đáp lễ thì nên dùng quà cáp mình mang tới. Còn người chủ tuyệt đối không nên để khách vào rửa bát và nếu khách thân thiện thì hãy làm cùng nhau.
Chuyện rửa bát này thường diễn ra ở câu chuyện những cô gái mới về ra mắt nhà người yêu. Cô gái nên chăm chỉ nhưng đừng tự "chuốc" vào mình sớm những công việc này bởi cẩn thận bị coi là thân phận thấp trong nhà chồng. Gia đình nhà trai và người con trai đừng hớ hênh trong việc để cô gái rửa bát khi cô còn ở vai trò là khách, bởi con gái bây giờ rất mạnh mẽ, nhìn cách đối xử như thế, họ có thể "bỏ chạy".
Một vài chiếc bát nhưng có thể thấy được thái độ học thức nhận và cách hành xử. Do đó khi làm khách và khi mời khách rất cần chú ý chuyện này, dù tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại rất quan trọng để đánh giá mối quan hệ tiếp theo.
*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.