Vì sao nhập khẩu hạt điều tăng mạnh

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành điều đạt 6,83 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó nhập khẩu bám đuổi khá sát xuất khẩu, thành thử xuất khẩu gần 3,7 tỷ USD nhưng xuất siêu toàn ngành chỉ đạt 450 triệu USD.

Nhập khẩu điều nguyên liệu tăng mạnh trong năm 2023, với 3,19 tỷ USD, chủ yếu là hạt tươi chưa bóc vỏ.

Nhập khẩu điều nguyên liệu tăng mạnh trong năm 2023, với 3,19 tỷ USD, chủ yếu là hạt tươi chưa bóc vỏ.

Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu của ngành điều trong năm 2023 của Tổng cục Hải quan ghi nhận, ngành này đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6,83 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 3,64 tỷ USD, còn nhập khẩu 3,19 tỷ USD.

Xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lắm, nên xuất siêu của ngành chỉ 450 triệu USD.

Cụ thể, năm qua toàn ngành xuất khẩu 644.000 trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều Việt Nam đạt 5.657 USD/tấn, giảm 4,7% so với năm 2022.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, chiếm 63,5% tổng lượng và 69,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, chủng loại W320 đạt sự tăng trưởng mạnh, chiếm 42,8% về lượng và 45,2% về trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu điều, đạt 275,5 nghìn tấn, trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 29,4% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so với năm 2022.

Đứng thứ 2 là chủng loại W240, chiếm 14,8% tổng lượng và chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều các loại, đạt 95,5 nghìn tấn, trị giá 606,8 triệu USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 16,9% về trị giá so với năm 2022.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% tổng xuất khẩu hạt điều của cả nước, ở mức 158,5 nghìn tấn, trị giá đạt 886 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch xuất khẩu so với năm 2022.

Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 17,5% tổng xuất khẩu hạt điều của cả nước, đạt 113 nghìn tấn, trị giá đạt 683 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 55,2% về trị giá xuất khẩu so với năm 2022.

Xuất khẩu cũng ghi nhận tăng mạnh tới các thị trường: UAE (tăng 72,3%); Trung Quốc (tăng 49,8%); Ả-rập Xê-út (tăng 46,3%); Anh (tăng 24,1%).

Xuất khẩu vài tỷ USD mỗi năm, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu cũng được phản ánh qua mức chi nhập khẩu ngày một tăng mạnh.

Năm ngoái, ngành này nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, trị giá khoảng 3,19 tỷ USD. So với năm 2022, nhập khẩu hạt
điều tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về trị giá.

Hạt điều tươi chưa bóc vỏ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu hạt điều của Việt Nam. Hạt điều tươi chưa bóc vỏ chiếm 96% tổng lượng nhập khẩu, còn lại là hạt điều tươi đã bóc vỏ chiếm 4%.

5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam, gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 54,7% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong năm 2023.

Tuy nhiên, cơ cấu thị trường nhập khẩu hạt điều có sự thay đổi. Việt Nam giảm nhập từ Campuchia và Tanzania nhưng tăng nhập từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana.

Cụ thể, lượng hạt điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà ở mức 899,4 nghìn tấn, giá trị đạt 969,9 triệu USD, tăng 87,3% về lượng và tăng 58,1% về giá trị so với năm 2022.

Nhập khẩu hạt điều từ Nigeria tăng trưởng mạnh ở mức 118,2% về lượng và tăng 80,3% về giá trị. Lượng hạt điều nhập từ Ghana cũng tăng 68,2% về lượng, giá trị tăng 44,9%.

Phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu lớn, trong khi giá nguyên liệu lại cao, đang làm giảm hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp.

4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu điều tiếp tục phi mã, với sản lượng 1,063 triệu tấn, trị giá 1,322 tỷ USD, tăng lần lượt 32% và 23,1% so với cùng kỳ.

Ngược lại, xuất khẩu mang về 1,159 tỷ USD, dù tăng 21,2% so với cùng kỳ, nhưng do giá nhập khẩu tăng, thành ra nhập siêu 163 triệu USD.

Các doanh nghiệp trong ngành này phản ánh, giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi luôn ở mức cao hơn so với điều nhân xuất đi, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để có hiệu quả.

Hạn hán, El Nino đang ảnh hưởng trực tiếp các nước nông nghiệp, sản lượng bị mất mùa vụ. Tại Việt Nam, theo thống kê, mất mùa đến 20 - 25%. Ở châu Phi, cụ thể là Bờ Biển Ngà, cũng mất 20% sản lượng điều do thời tiết khắc nghiệt. Điều này dẫn đến nguồn cung thiếu hụt so với những năm trước, khiến các nhà kinh doanh đẩy giá lên.

Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu; vùng trồng điều trong nước đang ngày càng thu hẹp và sản lượng giảm, các nhà máy phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi, giá xuất khẩu có thời điểm thấp hơn giá nhập khẩu.

Bản tin Thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tháng 4/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.351 USD/ tấn, giảm 10,0% so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.362 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vi-sao-nhap-khau-hat-dieu-tang-manh-d216148.html