Vì sao Nhật Bản nỗ lực đóng tàu ngầm mang tên lửa tầm xa?
Để đạt mục tiêu sở hữu tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa tầm xa, chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch đóng một tàu ngầm thử nghiệm nhằm xác minh các vấn đề kỹ thuật.
Báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 30.10 dẫn nguồn thạo tin cho biết, kế hoạch phát triển sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, khi Tokyo xem xét, sửa đổi Nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng (NDPG).
Tokyo cũng đang xem xét, sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Nếu kế hoạch phát triển tàu ngầm được thông qua, nhiều khả năng tên lửa hành trình Tomahawk mua của Mỹ sẽ được trang bị cho tàu ngầm.
Trước đây, tầm bắn của tên lửa Nhật bị hạn chế ở mức vài trăm km, nhưng quyết định phát triển tên lửa tầm xa là một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Nhật.
Gần đây, chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida thường dùng thuật ngữ “năng lực phản kích”. Và khái niệm này gồm chuyển đổi học thuyết phòng thủ tên lửa từ đánh chặn sang phát triển tên lửa đạn đạo - có khả năng tấn công đáp trả, nhằm tiêu diệt các cơ sở của đối phương, chẳng hạn bệ phóng tên lửa của địch.
Vì mục tiêu đó, chính phủ Nhật lên kế hoạch sử dụng một phiên bản nâng cấp của tên lửa dẫn đường đất đối hạm Type 12 để có thể nâng tầm phóng từ hơn 100 km lên khoảng 1.000 km, cho phép tên lửa tấn công các mục tiêu của địch, chẳng hạn các tàu khu trục và chiến đấu cơ.
Nhưng kế hoạch này chỉ có thể tiến hành từ năm 2026.
Tên lửa Type 12 (có tầm bắn 150 km) hiện trang bị cho lục quân Cục Phòng vệ Nhật Bản (GSDF) giữ một vai trò chủ lực trong việc bảo vệ các đảo hẻo lánh của Nhật, nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp như ở Đài Loan.
Nhưng Type 12 khá tốn tiền (100 triệu Yen/quả) và không được dự trữ nhiều. GSDF hiếm khi phóng loại tên lửa này, trừ 1 lần khi GSDF đang tham gia cuộc tập trận chung Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi đầu tháng 8.
Tokyo dự tính dùng xe, tàu chiến và máy bay để phóng các tên lửa Type 12 và Tomahawk. Nhưng vì đối phương có thể dễ dàng phát hiện vị trí của các phương tiện phóng tên lửa tầm xa này nên chính phủ Nhật đã chọn thêm tàu ngầm làm nơi phóng tên lửa.
Việc đóng tàu ngầm thử nghiệm sẽ được bắt đầu trong năm tài khóa 2024 và có lẽ mất nhiều năm. Về các phương án phóng tên lửa, Nhật sẽ xem xét khả năng phóng theo chiều thẳng đứng từ tàu ngầm và theo chiều ngang từ ống phóng ngư lôi.
Tùy theo kết quả thử nghiệm, chính phủ Nhật trong 10 năm sẽ quyết định việc có tung một tàu ngầm vào hoạt động phòng thủ hay không.
Hiện tại, hạm đội tàu ngầm của hải quân Cục Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) chỉ trang bị ngư lôi và tên lửa chống hạm tầm ngắn. Tàu ngầm lớp Taigei có tên lửa lưỡng dụng đất đối đất và chống hạm, nhưng tầm bắn của các tên lửa này chỉ khoảng 250 km.
Trong khi đó, tên lửa Tomahawk có thể phóng từ tàu ngầm, bay ở cao độ thấp và có tầm bắn hơn 1.600 km.
Chính phủ Nhật đã đề xuất Mỹ bán Tamahawk. Hiện 2 bên đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng, theo các nguồn tin của Yomiuri. Nguồn tin cho biết, Tomahawk được đánh giá có thể làm tên lửa tầm xa chủ lực của Nhật, và nó được đánh giá là cần thiết để tăng cường “năng lực phản kích” ngay từ giai đoạn đầu.
Các nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc đã gần như chấp thuận kế hoạch bán Tomahawk cho Nhật, chỉ còn chờ quyết định của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một quả Tomahawk có giá ước tính từ 100 đến 200 triệu Yen Nhật. Trong quá khứ, các quan chức Mỹ “làm ngơ” trước đề xuất mua Tomahawk.
Tomahawk hiện là tên lửa hành trình chuẩn xác chủ lực của Mỹ. Tên lửa này trang bị hệ thống định vị toàn cầu cùng các thông tin khác để có thể tiêu diệt các mục tiêu rất chính xác.
Tomahawks đã được Mỹ sử dụng trong nhiều cuộc chiến tranh, kể cả trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, và mức độ chính xác của nó đã được xác nhận.