Vì sao nhiều cha mẹ chụp ảnh tưởng niệm ngày mất con

Trong thời gian gần đây, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn chụp hình tưởng niệm ngày mất con như một phương pháp điều trị tâm lý hữu hiệu, giúp họ nhanh chóng vượt qua nỗi đau.

Zing trích dịch bài đăng từ HuffPost, đề cập đến xu hướng lưu lại khoảnh khắc mất con do không may lưu hoặc sảy thai của các cặp vợ chồng.

Ngày 30/9, nam ca sĩ John Legend và vợ anh, siêu mẫu Chrissy Teigen, chia sẻ trên mạng xã hội về việc đứa con thứ 3 của họ qua đời do thai chết lưu. Trước đó 3 ngày, người mẹ 34 tuổi phải nhập viện do biến chứng thai kỳ và ra máu quá nhiều.

Sau sự cố mất con trai, Teigen đăng một loạt ảnh đen trắng về trải nghiệm đau đớn mà cô và gia đình phải trải qua, từ lúc nhập viện cho đến khi nhận hung tin, rồi nhận xác con trên tay. Cặp vợ chồng âu yếm gọi đứa con kém may mắn là Jack và ôm chặt cậu bé vào lòng.

Chrissy Teigen chia sẻ khoảnh khắc đau lòng của gia đình trên Instagram cá nhân. Ảnh: @chrissyteigen.

Chrissy Teigen chia sẻ khoảnh khắc đau lòng của gia đình trên Instagram cá nhân. Ảnh: @chrissyteigen.

Bạn bè và những người theo dõi bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ dành cho Legend và Teigen, nhưng cũng có những bình luận thắc mắc vì sao cặp vợ chồng lại quyết định chụp ảnh và lưu lại sự mất mát này trên mạng xã hội.

“Tại sao bạn lại chụp ảnh? Tôi rất chia buồn với sự cố không mong muốn này nhưng vì sao bạn phải ghi hình?”, một người để lại bình luận.

Thực tế, việc chụp kiểu ảnh này không còn quá hiếm gặp. Hành động ghi hình và chia sẻ khoảnh khắc đau lòng lại là một hành động tích cực giúp gia đình vượt qua nỗi đau.

Lưu lại khoảnh khắc chỉ có một trên đời

“Câu nói ‘Một bức ảnh thay cho vạn lời’ vẫn mang vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Trong thời điểm đau buồn, những tấm hình giúp ghi lại những sự kiện mà chúng ta chỉ gặp một lần trong đời”, Dan Reidenberg, một chuyên gia sức khỏe tâm thần và Giám đốc điều hành của Suicide Awareness Voices of Education, nói với HuffPost.

 Betsy Poell ôm con gái chết lưu thai do tràng hoa quấn cổ. Ảnh: New York Times.

Betsy Poell ôm con gái chết lưu thai do tràng hoa quấn cổ. Ảnh: New York Times.

“Rất nhiều cảm xúc xảy ra với con người trong hoàn cảnh đau khổ, mất mát. Những bức ảnh giúp lưu lại những cảm xúc đó theo thời gian.

Đến khi con người ở một giai đoạn khác của nỗi thương tiếc, họ có thể xem đống ảnh và nhớ lại mọi việc thực tế nhường nào. Như trong câu chuyện của gia đình Legend, Jack đã xuất hiện trên cõi đời. Tuy nhiên, đó sẽ là lần duy nhất cậu bé được ở bên họ và chụp ảnh chung”, ông chia sẻ thêm.

Gina Harris là Giám đốc điều hành của Now I Lay Me Down To Sleep (NILMDTS), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2005, chuyên cung cấp dịch vụ chụp ảnh tưởng nhớ cho các gia đình có em bé qua đời ngay khi vừa được sinh ra.

Chia sẻ với HuffPost, cô lần đầu tiên biết đến NILMDTS cách đây 8 năm, khi cô hạ sinh một đứa con trai chết lưu tên là David.

Đến nay, những bức ảnh chụp cùng đứa con kém may mắn lại trở thành “thứ quý giá nhất” của Harris. Đó là lời nhắc nhở chân thực giúp cô chữa lành vết thương tâm lý.

Sau 15 năm gây dựng, NILMDTS đã hỗ trợ gần 50.000 cặp vợ chồng ghi lại khoảnh khắc đau buồn và giúp họ vượt qua sự mất mát. Harris cho biết chưa có gia đình nào phàn nàn hay bày tỏ sự hối tiếc khi chụp ảnh, ngay cả khi họ không chia sẻ trên Internet hay mở ra xem lại.

Lựa chọn chụp ảnh tưởng niệm tùy thuộc vào quyết định của mỗi gia đình. Ảnh: New York Times.

Lựa chọn chụp ảnh tưởng niệm tùy thuộc vào quyết định của mỗi gia đình. Ảnh: New York Times.

“Những tấm hình giúp sẽ gợi nhớ lại những chi tiết mà chúng ta bỏ sót do cảm xúc lấn át trong thời điểm khủng hoảng. Hơn nữa, chúng còn là minh chứng cho quá trình vượt qua nỗi buồn.

Khi nhìn lại bức ảnh của những ngày đầu tiên, chúng ta có thể thấy bản thân đã vất vả như thế nào, mạnh mẽ ra sao để vượt qua khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời”, chuyên gia Reidenberg cho biết.

“Đối với các bà mẹ, nỗi mất mát này rất cô đơn và vô cùng đau đớn, khó tìm ngôn từ để nói ra. Vì vậy, chia sẻ ảnh với những người thân yêu sẽ giúp họ cởi mở hơn, không phải chịu đựng một mình”, Carolina Villegas, một nhà trị liệu sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Health Winnie Palmer dành cho Phụ nữ và Trẻ sơ sinh (bang Florida, Mỹ), chia sẻ.

Tuy nhiên, gia đình không nhất thiết phải chụp ảnh tưởng niệm. Quyết định cá nhân của các bậc cha mẹ đưa ra vẫn là quan trọng nhất.

Một hành động dũng cảm, đáng ngưỡng mộ

Chuyên gia về sức khỏe tâm thần Reidenberg hoan nghênh hành động của Teigen và Legend vì đã dũng cảm chia sẻ một câu chuyện cá nhân quá đau buồn, nhất là khi họ là người nổi tiếng và thường xuyên chịu sự soi mói từ cộng đồng mạng.

Chụp và chia sẻ ảnh sẽ giúp những bà mẹ cởi mở hơn sau chấn thương tâm lý. Ảnh: New York Times.

Chụp và chia sẻ ảnh sẽ giúp những bà mẹ cởi mở hơn sau chấn thương tâm lý. Ảnh: New York Times.

Ông tin rằng những bài đăng như vậy sẽ giúp bình thường hóa nỗi mất mát, đồng thời khuyến khích mọi người cởi mở hơn, dám chia sẻ về suy nghĩ và cảm xúc của họ khi trải qua chấn thương tâm lý.

Harris cũng đồng tình với quan điểm này. Theo cô, bài đăng của gia đình Legend giúp truyền cảm hứng tới những bậc phụ huynh còn tổn thương vì mất con và động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh để vơi đi nỗi đau.

Mặc dù vẫn có nhiều phản ứng trái chiều xung quanh việc chụp ảnh này, như những bình luận trong bài đăng của siêu mẫu Teigen, giám đốc điều hành tổ chức NILMDTS cho biết lượng chỉ trích và nhận xét tiêu cực đã giảm trong những năm gần đây.

“Đối với những người chưa từng mất con, họ không thể hiểu được nỗi đau đó tuyệt vọng như thế nào. Hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ phải trải qua điều đó, nhưng cũng đừng phán xét hành động của những người khác, nhất là khi họ không ở trong hoàn cảnh mất mát ấy”, Harris nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nhieu-cha-me-chup-anh-tuong-niem-ngay-mat-con-post1138342.html