Vì sao nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga bất chấp áp lực trừng phạt?
Gần một năm xung đột Nga-Ukraine, nhiều doanh nghiệp phương Tây chưa rút lui hoàn toàn khỏi Nga vì nhiều lý do, chưa kể các rủi ro tiềm ẩn cho việc rời đi là rất lớn.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2-2022, hàng loạt các doanh nghiệp phương Tây đồng loạt tuyên bố hạn chế hoạt động hoặc rời khỏi thị trường Nga nhằm đáp trả hành động của Moscow cũng như dưới áp lực của các lệnh trừng phạt.
Thế nhưng sau gần một năm chiến sự, người tiêu dùng ở Moscow vẫn có thể mua được sữa chua Activia, bàn chải đánh răng điện Oral-B và kem dưỡng L’Oreál. Một phần là các sản phẩm này còn sót lại trong kho khi những doanh nghiệp phương Tây rời đi, trong khi đó nhiều mặt hàng vẫn được các công ty Mỹ và châu Âu tiếp tục cung cấp, theo hãng Bloomberg.
Ở thì cực, đi cũng chẳng xong
Đầu tiên, nếu các doanh nghiệp phương Tây thay đổi ý định về việc ở lại Nga vì lo sợ về những rủi ro pháp lý và uy tín ngày càng gia tăng, thì giờ đây họ phải đối mặt một thách thức mới, đó là Điện Kremlin đang khiến cái giá cho việc rời đi trở nên đắt đỏ hơn.
Mặc dù cho đến nay, không có biện pháp trừng phạt nào của phương Tây nhắm vào lĩnh vực tiêu dùng hàng ngày ở Nga, song những hạn chế đối với các ngân hàng cùng với những cá nhân Nga đã khiến hoạt động kinh doanh ở nước này trở nên khó khăn hơn.
Đối với một số tập đoàn lựa chọn tiếp tục ở lại Nga như Colgate, Procter & Gamble và L’Oreál, họ phải có một sự cân bằng phức tạp, đó là vừa bảo vệ lợi nhuận và nhân công địa phương, duy trì chỗ đứng trong thị trường Nga rộng lớn, nhưng cũng vừa để không bị đánh giá là suy thoái về mặt đạo đức, ngay cả khi họ vẫn nộp thuế cho chính phủ Nga.
Chẳng hạn, Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Unilever - ông Alan Jope cho biết ông phải có trách nhiệm với 3.000 nhân viên ở Nga, đồng thời không muốn nhìn thấy bốn cơ sở sản xuất ở nước này rơi vào tay các ông chủ người Nga hoặc chính phủ Nga.
Hôm 9-2, Công ty sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch cảnh báo nguy cơ chính quyền Nga có thể quốc hữu hóa một doanh nghiệp để duy trì lực lượng lao động ở mức trước xung đột nếu Nga nghi ngờ rằng doanh nghiệp đó đang bị tước đi các giá trị một cách có chủ ý. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga có luật hiện hành để bảo vệ người lao động và việc quốc hữu hóa là "một quá trình lâu dài".
Những thách thức trên phần nào giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp không thể "hiện thực hóa” cam kết rời khỏi thị trường Nga.
"Số lượng nhà sản xuất nội địa của Nga tăng từ 17 đến 20%, gần một năm sau khi các công ty phương Tây bắt đầu rời khỏi Nga", theo ông Nazariy Skrypnik, Cục trưởng Cục hệ thống đăng ký quốc gia Liên bang Nga.
Công ty Reckitt Benckiser của Anh từng hứa vào tháng 4 năm ngoái rằng họ sẽ chuyển quyền sở hữu hoạt động kinh doanh tại Nga cho một bên thứ ba hoặc nhân viên địa phương, song cho tới năm nay vẫn chưa thực hiện được. Hay tập đoàn thực phẩm khổng lồ Danone của Pháp thông báo rút khỏi Nga vào tháng 10 năm ngoái nhưng vẫn chưa tìm được người mua lại. Tương tự, tập đoàn Philip Morris International của Mỹ vẫn đang cố gắng để nhận được sự chấp thuận của Nga dù đã lên kế hoạch rời đi vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, rất ít công ty tỏ ra quyết đoán như chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonald’s. Doanh nghiệp này đã ngay lập tức bán chuỗi nhà hàng tại Nga vào tháng 5, chỉ ba tháng sau khi cuộc xung đột bùng nổ. Thế nhưng, chuyện đó giờ đây không còn dễ dàng như thế nữa vì có rất ít đối tác tiềm năng Nga không nằm trong danh sách trừng phạt. Chưa hết, Điện Kremlin ngày càng không sẵn sàng cho việc chấp thuận các giao dịch mua bán các doanh nghiệp của phương Tây.
Theo chuyên gia Nabi Abdullaev tại công ty tư vấn Control Risks, việc rời đi càng chậm trễ thì khó khăn kèm theo cũng sẽ tăng lên. Ông cho biết hiện chính phủ Nga đã kiểm soát chặt chẽ các giao dịch và yêu cầu giảm 50% cho bất kỳ thương vụ mua bán nào. Trong khi đó, ông Peskov giải thích “đó là cách thị trường hoạt động và các công ty đang muốn rời đi phải tuân thủ các điều kiện cụ thể của thị trường".
Vừa rồi, tập đoàn Unilever đã cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro tài chính khi rời khỏi thị trường Nga. British American Tobacco cũng tăng dự báo lỗ tiềm ẩn nếu doanh nghiệp này đi khỏi đây.
Thứ hai, một nhân tố khác níu chân các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục ở lại Nga là do nền kinh tế nước này vào năm ngoái hoạt động không tệ như dự báo ban đầu. Tăng trưởng kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,5% và cơ hội kiếm tiền vẫn còn, ít nhất là về dài hạn.
Chiến lược ở lại Nga
Để trụ lại Nga và tận dụng lợi thế của thị trường rộng lớn này, các công ty trên đã lập ra hàng rào phòng thủ, trao quyền cho các giám đốc địa phương, ngừng quảng cáo và đầu tư, đồng thời rà soát tránh làm ăn với các ngân hàng và cá nhân trong danh sách trừng phạt.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyết định tiếp tục giữ chân tại thị trường Nga và tránh đau đầu với việc đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều tập đoàn lớn khẳng định họ chỉ cung cấp các mặt hàng "cơ bản” và "thiết yếu” tại đây, trong khi cam kết không mang bất kỳ lợi nhuận nào ra khỏi Nga như Unilever đã tuyên bố.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu thu hẹp dần quy mô kinh doanh. Đơn cử, tập đoàn P&G đã cắt giảm số lượng nhân sự tại Nga từ 2.500 xuống còn 1.800 trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến hết năm 2022. Trong khi đó L’Oreál, hiện đang có 2.500 nhân viên, đã đóng các cửa hàng và thu hẹp nguồn cung nhưng vẫn tiếp tục bán hàng cho người Nga.
Những rủi ro tiềm ẩn
Dù rời khỏi Nga rất phức tạp, song việc chọn ở lại cũng kéo theo nhiều rủi ro. Trường hợp của nhà sản xuất ngô và đậu Bonduelle (Pháp) là một lời cảnh báo rõ ràng khi doanh nghiệp này vào năm ngoái phải lên tiếng bác bỏ cáo buộc cung cấp thực phẩm đóng hộp cho quân đội Nga sau khi hình ảnh binh sĩ Nga cầm sản phẩm của công ty xuất hiện trên mạng xã hội.
Thực vậy, các công ty bán thực phẩm hoặc các sản phẩm cá nhân là những đối tượng dễ bị lôi kéo vào vào các nỗ lực của cuộc chiến, nhất là khi Moscow chuyển sang "nền kinh tế thời chiến". Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin phủ nhận việc các doanh nghiệp buộc phải tham gia.
Ngoài ra, hãng Bloomberg nhận định các công ty đa quốc gia được cho là mất khá nhiều nhân lực vì nhập ngũ và di cư.
Hơn nữa, khi chiến sự vào mùa xuân được dự báo sẽ trở nên ác liệt hơn có thể sẽ làm tăng thêm lo lắng cho các công ty trên.