Vì sao nhiều người không gửi tiền ngân hàng?

Lãi suất huy động giảm khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn và dòng tiền dần rút khỏi ngân hàng. Các ngân hàng phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.

Lãi suất giảm, nhà đầu tư tìm kênh đầu tư mới

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.

Cụ thể, trong tháng 1, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024). Tiền gửi giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Từ ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp khẩn với các ngân hàng thương mại, sau khi Thủ tướng ra công điện yêu cầu thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện theo chỉ đạo.

Ngay sau cuộc họp này, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi. Từ ngày 25/2 đến ngày 14/4, có 27 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm, tùy theo kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến dòng tiền chạy khỏi ngân hàng.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến dòng tiền chạy khỏi ngân hàng.

Hiện chỉ còn số ít nhà băng duy trì lãi suất huy động trên 6%/năm, gồm GPBank, Vikki Bank và HDBank với kỳ hạn dài.

Một nhà đầu tư cho hay, lãi suất tiết kiệm hiện khoảng 6%/năm, trong khi giá giao dịch vàng miếng SJC và vàng nhẫn đang neo ở vùng đỉnh lịch sử. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng hơn tới 22 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng hơn 26%. Vì vậy, nhiều người đã rút tiền tiết kiệm đi mua vàng.

Nhiều chuyên gia nhận định việc gửi tiết kiệm dường như không còn là ưu tiên hàng đầu của người dân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn, thanh khoản của ngân hàng eo hẹp, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT - kỳ vọng, chu kỳ lãi suất thấp hiện tại sẽ kết thúc trong năm nay, chính thức xác nhận kết thúc giai đoạn kinh tế hồi phục ban đầu để bước vào giai đoạn tiền tăng trưởng.

Trước việc lãi suất thấp khiến nhiều cá nhân lựa chọn chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng... Ông Huấn cho rằng, đây là diễn biến bình thường của guồng quay kinh tế, việc dòng tiền chảy sang kênh khác sẽ giúp kích thích tăng trưởng trở lại.

Ngân hàng tìm mọi cách hút vốn

Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, các ngân hàng đã và đang tìm cách thu hút vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý, như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức quốc tế, huy động tiền gửi từ dân cư.

Việc tín dụng tăng nhanh thời gian gần đây khiến nhu cầu huy động vốn vẫn tăng cao, các ngân hàng vẫn phải duy trì mức lãi suất tương đối ổn định để thu hút tiền gửi. Để bù đắp phần vốn thiếu hụt, các ngân hàng phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu như một giải pháp quan trọng để gia tăng nguồn vốn huy động.

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 2 của FiinGroup, về cơ cấu tỷ trọng giá trị lưu hành trái phiếu doanh nghiệp, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, chiếm 44% giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành trên toàn thị trường.

Chứng khoán VNDirect cho hay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài, như đã triển khai trong năm 2024, không chỉ giúp các ngân hàng tăng cường huy động vốn mà còn hỗ trợ nâng cao tỷ lệ vốn trung và dài hạn, đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm nay, nhóm ngân hàng sẽ vẫn tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi của thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - chia sẻ, việc triển khai các giải pháp, nhất là giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên. Trong bối cảnh tăng trưởng huy động chậm hơn tăng trưởng tín dụng, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, gần đây, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã có động thái mạnh mẽ khi bơm ròng hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh OMO, giúp ổn định thanh khoản và hỗ trợ giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Thanh khoản tốt cũng giúp các ngân hàng thương mại giảm áp lực huy động vốn từ thị trường dân cư và doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động trong thời gian qua.

Nhiều chuyên gia dự báo, về trung hạn, lãi suất tiền gửi có thể còn biến động nhưng khó xảy ra xu hướng tăng đột biến trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, tạo điều kiện cho dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho phục hồi kinh tế.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-khong-gui-tien-ngan-hang-post1736273.tpo