Vì sao nhiều người trẻ tránh bữa cơm gia đình?

Bữa cơm nào cũng thế, hết bà càu nhàu việc tôi thức khuya, dậy muộn thì bố tôi lại chỉ trích tôi không có mục tiêu cho tương lai, không giỏi giang bằng bạn bè… Mẹ tôi cũng hùa theo bà, theo bố tôi. Không khí bữa ăn vì thế mà luôn nặng nề...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyễn Quốc Việt (sinh viên năm thứ 3 ở quận Hà Đông, TP Hà Nội) luôn tìm mọi lý do để không phải ăn cơm cùng gia đình. Cả ngày đi học, chỉ có bữa cơm tối là quây quần bên gia đình nhưng Quốc Việt thường sắp xếp lịch tập gym, đi làm thêm vào thời gian đó.

Ngày cuối tuần, cậu cũng lấy cớ bận việc nọ việc kia để không phải ngồi ăn cơm tối cùng cả nhà. Chia sẻ lý do, Quốc Việt cho biết, cậu không muốn phải nghe những lời giáo huấn, những lời mắng mỏ của người lớn trong nhà.

"Bữa cơm nào cũng thế, hết bà càu nhàu việc tôi thức khuya, dậy muộn thì bố tôi lại chỉ trích tôi không có mục tiêu cho tương lai, không giỏi giang bằng bạn bè… Mẹ tôi cũng hùa theo bà, theo bố tôi. Không khí bữa ăn vì thế mà luôn nặng nề. Nhiều bữa, tôi cố chịu đựng, nuốt miếng cơm đắng ngắt vào miệng. Tôi 21 tuổi mà bà và bố mẹ tôi lúc nào cũng coi tôi như con nít, giáo dục con cháu bằng những lời cằn nhằn, chỉ trích, khiến tôi thấy bữa ăn như một cực hình với mình".

Để tránh không khí căng thẳng đó, Quốc Việt thường về muộn. "Tôi căn khoảng 21h30-22h mới về nhà. Lúc đó, bà và bố mẹ tôi đã về phòng nghỉ ngơi, xem phim, lướt facebook. Thế mà, có hôm tôi cũng không được yên. Những người lớn trong gia đình tôi luôn có cớ để "giáo dục" tôi trong bữa ăn.

Tôi rất thèm một bữa cơm mà cả gia đình vui vẻ, bố mẹ, con cái chia sẻ những câu chuyện vui mỗi ngày.

Tôi rất thèm một bữa cơm mà cả gia đình vui vẻ, bố mẹ, con cái chia sẻ những câu chuyện vui mỗi ngày.

Tôi rất thèm một bữa cơm mà cả gia đình vui vẻ, bố mẹ, con cái chia sẻ những câu chuyện vui mỗi ngày. Với tôi, bữa ăn rôm rả, hạnh phúc ấy chắc chỉ có trong giấc mơ", Việt trải lòng.

Giống như Việt, Hoàng Như Anh (28 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An) thường nhận làm thêm giờ để tránh bữa cơm gia đình. Hết giờ làm, trong khi nhiều đồng nghiệp vội vã rời công sở về nhà thì Như Anh vẫn ở cơ quan, cặm cụi làm việc hoặc học kiến thức mới.

"Tôi thực sự sợ những bữa cơm gia đình. Cứ bắt đầu vào bữa ăn là mẹ tôi nhắc nhở, giục giã chuyện lấy chồng. Nào là "đứa bạn thân của con giờ đã 2 con. Hai đứa con cô ấy xinh xắn, đẹp đẽ, đáng yêu. Bố mẹ cô ấy thật có phúc". Nào là "tuổi sinh đẻ của con gái có hạn, nếu lấy chồng muộn thì việc sinh con rất khó khăn".

Nào là "đồng nghiệp của mẹ có con trai hơn con vài tuổi. Hai đứa gặp nhau xem thế nào…". Mọi câu chuyện của mẹ trong bữa ăn chỉ xoay quanh việc tôi phải lấy chồng. Quan điểm của mẹ tôi là, con gái dù có sự nghiệp thế nào mà không kết hôn thì cũng là người… thất bại. Không cùng quan điểm với mẹ, tôi đành phải kiếm cớ né tránh vì không muốn bữa cơm gia đình lại trở thành buổi giáo huấn của bố mẹ", Như Anh chia sẻ.

Áp lực từ gia đình khiến Huỳnh Thị Sương (27 tuổi, ở TP Quy Nhơn, Bình Định) quyết định xin làm hẳn ca chiều để 22h mới đi làm về. "Việc phải làm ca chiều liên tục rất bất tiện cho những người trẻ như em. Bởi em sẽ không có thời gian gặp gỡ bạn bè.

Thế nhưng, cứ nghĩ đến bữa ăn nào cũng nghe ba mẹ càm ràm, so sánh em với người khác khiến em rất mệt mỏi. Tránh ăn tối cùng ba mẹ cũng là cách em tránh căng thẳng cho mình. Có câu "trời đánh còn tránh miếng ăn", vậy mà ba mẹ em cứ vào bữa ăn là phê bình, chê bai con cái khiến em không thể nuốt nổi miếng cơm", Sương cho biết.

Áp lực từ bữa cơm gia đình đã vô tình trở thành gánh nặng với nhiều người trẻ như vậy. Thậm chí, kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến những lời hỏi han thông thường cũng trở thành áp lực với con cái. Hậu quả là nhiều người trẻ không muốn trở về nhà ăn cơm cùng gia đình vì muốn trốn tránh những câu hỏi khó trả lời và đầy áp lực.

Nga Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-tre-tranh-bua-com-gia-dinh-20240605195619448.htm