Vì sao nhiều người tử vong vì sốt xuất huyết?
Hết tháng 6/2022, toàn phía Nam có 42 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Chỉ 2 tuần tiếp theo, các ca tử vong liên tiếp được ghi nhận tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Riêng TP.HCM, đến nay có tổng số 13 trường hợp.
Nhóm đối tượng nguy cơ
Theo Viện Pasteur TP.HCM, năm 2022 là thời điểm sốt xuất huyết bùng phát theo đúng chu kỳ. Đợt này, typ huyết thanh DEN1 gây bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành chủ yếu, typ DEN2 đang tăng dần.
Type DEN 2 được cho là có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn, tương ứng với số ca sốt xuất huyết nặng cũng tăng cao.
Theo Sở Y tế TP.HCM, phụ nữ mang thai, trẻ béo phì, trẻ nhũ nhi, người có bệnh nền là nhóm nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP ghi nhận ít nhất 2 thai phụ đã tử vong do sốc, suy đa tạng. Hiện nay, thai phụ mắc sốt xuất huyết được yêu cầu nhập viện sớm để theo dõi.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, một bệnh nhi 8 tuổi mắc sốt xuất huyết bị suy gan thận, phải lọc máu, thở máy, điều trị suốt 2 tháng mới thoát cửa tử. Khi nhập viện, em sốc sâu, tiên lượng rất xấu. Khi qua cơn nguy hiểm, em có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi vì thời gian dài phụ thuộc máy thở.
“Bệnh nhi này đúng nghĩa là chết đi sống lại. Chúng tôi không dám nghĩ bé có thể sống mà chỉ biết cố gắng hồi sức và hy vọng”, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện nói thêm.
Hiện, 2/3 trẻ sốt xuất huyết nguy kịch ở Bệnh viện Nhi đồng 1 là trẻ béo phì.
Chủ quan khi hết sốt
Sốt xuất huyết là căn bệnh quen thuộc, tồn tại hàng chục năm qua tại Việt Nam. Đa số bệnh nhân đều tự phục hồi sau 7-10 ngày, chỉ một bộ phận chuyển nặng nên khiến nhiều người lơ là.
Sốt xuất huyết thường giảm sốt sau ngày thứ 3, người bệnh dễ chịu hơn và nghĩ rằng đã khỏi bệnh. Nhưng đây lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ xảy ra các biến chứng.
Theo các bác sĩ, trong giai đoạn ngày thứ 3-7 của bệnh, khoảng 10-20% bệnh nhân mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc.
Nếu không được nhập viện, hồi sức kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Diễn biến này có thể xảy ra ở mọi đối tượng mắc sốt xuất huyết.
Không nhận ra dấu hiệu cảnh báo
Người dân khi mắc sốt xuất huyết thường tìm đến các phòng mạch, phòng khám tư lấy thuốc và tự theo dõi tại nhà. Do không nhận ra triệu chứng chuyển nặng nên thường nhập viện chậm trễ.
Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn điều trị sốt xuất huyết cho y tế cơ sở - nơi tiếp nhận người bệnh đầu tiên, nhằm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. Từ đó, bệnh nhân nhẹ có thể điều trị tại chỗ, bệnh nhân nặng chuyển lên tuyến cao hơn.
Hiện nay, các bệnh viện tuyến đầu của TP bắt đầu quá tải, người bệnh các tỉnh lân cận dồn lên, nên việc điều trị gặp khó khăn.
Đáng chú ý, TP.HCM cũng ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết bị truyền dịch sớm, tiêm thuốc vào bắp khiến bệnh trở nặng, nguy kịch sau đó.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ được truyền dịch khi có dấu hiệu cảnh báo hoặc đã chuyển nặng.
“Việc truyền dịch sớm ở cơ sở không giúp ích gì cho bệnh nhân mà khó khăn hơn cho bệnh viện tuyến cuối vì nguy cơ quá tải dịch truyền”, bà Như nói.
Mới đây nhất, một nữ bệnh nhân 28 tuổi, sốt xuất huyết ngày 1, khám tại một phòng khám tư nhân tại quận Bình Tân, được truyền dịch. Bệnh nhân sau đó hôn mê và chuyển đến Bệnh viện Thống Nhât, tuy nhiên tử vong trước nhập viện. Các cơ quan chức năng đang phối hợp làm rõ vụ việc.
Tử vong vì sốt xuất huyết vẫn tăng cao
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 13 ca tử vong vì sốt xuất huyết, Bình Dương 10 ca, Đồng Nai 10 ca.
Theo PGS Phạm Văn Quang, khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, tỷ lệ ca nặng và tử vong theo đó sẽ tăng cao. Vì vậy, muốn giảm số tử vong trước hết phải kiểm soát số ca mắc. Điều này đồng nghĩa với việc, cộng đồng phải diệt lăng quăng và muỗi, cắt đứt trung gian truyền bệnh để khống chế sốt xuất huyết ngay từ thời điểm này.