Vì sao nhiều PMU không còn là 'chốn mơ ước' của bao người?

Từng là chốn mơ ước của bao người bởi độ hấp dẫn về thu nhập, quyền lực, giờ đây không ít Ban QLDA (PMU) rơi vào cảnh ăn đong, nợ lương.

Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư

Được ví như những cánh tay nối dài của Bộ GTVT trong công tác đầu tư hạ tầng, các Ban QLDA (PMU) giao thông từng là chốn mơ ước của bao người bởi độ hấp dẫn về môi trường chuyên nghiệp, thu nhập và quyền lực. Nhưng, vài năm trở lại đây, khi nguồn công việc ngày càng khan hiếm, không ít PMU rơi vào cảnh ăn đong, nợ lương, buộc phải cắt giảm nhân lực để duy trì bộ máy.

Vay đối tác để trả lương

Sắp tới, tất cả các ban QLDA cần phải có báo cáo cụ thể về toàn bộ các vấn đề đang còn khó khăn, vướng mắc từ cơ chế tiền lương, tổ chức cán bộ đến quyết toán công trình… để Vụ KH&ĐT và Cục QLXD&CLCTGT tổng hợp báo cáo Bộ GTVT xem xét, tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Tiền thân là PMU 18 lừng lẫy một thời khi thực hiện quản lý nhiều dự án hạ tầng hàng chục nghìn tỷ đồng, ngân quỹ luôn rủng rỉnh, nhưng đến nay PMU 2 đang là một trong các đơn vị khó khăn nhất trong số 13 Ban QLDA thuộc Bộ GTVT. Từ gấp hai lần lương vào năm 2012, rồi xuống một lần vào năm 2016, đến nay thu nhập hàng tháng của người lao động tại PMU 2 chỉ được tạm ứng 50% lương cơ bản.

“Đến hết tháng 8/2019, chúng tôi mới đủ nguồn để tạm ứng 50% lương cơ bản cho cán bộ, viên chức của ban từ tháng 1 - 6/2019”, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU 2 chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, hiện đơn vị đang phải đi vay đối tác để có nguồn duy trì hoạt động. “Tôi làm giám đốc nhưng mỗi tháng lương cũng chỉ có 5 triệu đồng. Mọi hoạt động của ban đều đang phải cắt giảm tối đa, ngay cả khi đi công tác, lãnh đạo ban cũng không có chế độ đi xe của cơ quan nếu chỉ đi một mình”, ông Sơn nói.

Một cán bộ cấp trưởng phòng có thâm niên gần 20 năm công tác tại PMU 2 cho biết, thu nhập hàng tháng của anh chỉ đủ ăn sáng và xăng xe đi làm. Mọi khoản chi trả trong gia đình, kể cả số tiền đóng học cho con từ vài năm nay trông cậy cả vào khoản thu nhập của vợ. “Nhiều người đã buộc phải chuyển công tác khác để lo kế sinh nhai, chúng tôi vẫn bám trụ vì hy vọng sắp tới tình hình sẽ sáng sủa hơn, Bộ GTVT sẽ giao thêm các dự án mới để ban có nguồn duy trì hoạt động”, vị trưởng phòng này chia sẻ.

Nêu nguyên nhân dẫn tới tình trạng bết bát như hiện nay, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, do nguồn công việc quá khan hiếm, giai đoạn vừa qua đơn vị gần như không có một dự án mới nào được giao triển khai. Trong khi đó, các dự án đã chuẩn bị đầu tư từ 4 - 5 năm trước như QL19 (vốn vay WB), dự án kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (vốn vay ADB), dự án cầu yếu (vốn vay EDCF) cũng chưa thể triển khai được do các dự án này mới được Quốc hội thông qua danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 vào tháng 11/2018.

“Sau 3 lần sáp nhập và hợp nhất vào các năm 2008, 2013 và 2017, số lượng cán bộ, viên chức hiện tại của PMU2 lớn hơn rất nhiều so với nguồn công việc được Bộ GTVT giao. Vì vậy, nguồn thu của Ban không đảm bảo kinh phí chi thường xuyên”, ông Sơn nói và cho biết, bộ máy tổ chức từ 210 cán bộ, viên chức vào năm 2017 (thời điểm hợp nhất Ban QLDA An toàn giao thông và Ban QLDA 2), đến nay, PMU 2 chỉ còn 158 nhân sự, trong đó 13 người đang nghỉ không lương.

“Chúng tôi cố gắng động viên mọi người đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mặt khác, PMU2 cũng sẽ tiếp tục tinh giản biên chế trong giai đoạn tới để bộ máy tinh gọn, hiệu quả”, ông Sơn chia sẻ.

Được đánh giá là một trong những PMU có bề dày kinh nghiệm và năng lực tốt nhất của Bộ GTVT, tuy nhiên, PMU Thăng Long cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới khi khi các dự án đang triển khai đều đã chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc. Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc PMU Thăng Long cho biết, các dự án của Ban đang triển khai thi công sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2020 nên nguồn thu của ban trong những năm tới sẽ rất khó khăn nếu không được Bộ GTVT giao thêm việc mới.

Không nợ lương như PMU 2, nhưng thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên PMU Thăng Long hiện cũng chỉ ở mức 5,2 triệu đồng/người/tháng. Nguyên nhân chính do số lượng nhân sự của PMU Thăng Long hiện nay lên tới 198 người (đã giảm 58 người so với thời điểm hợp nhất hai Ban QLDA 1 và Ban QLDA Thăng Long vào năm 2017), nhiều nhất trong số các PMU trực thuộc Bộ GTVT.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các PMU khác trong ngành GTVT. Thậm chí, khó khăn nhất có thể kể tới PMU lĩnh vực đường thủy. Gần 2 năm qua, các đơn vị này gần như không có tiền để trả lương người lao động. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Huy Thăng, Giám đốc PMU các dự án đường thủy trăn trở: “Hai năm qua chúng tôi không có công việc để triển khai, nguồn thu của ban hiện bằng không, đã 18 tháng trôi qua, ban không còn tiền để trả lương cho người lao động”.

Về bộ máy tổ chức, ông Thăng cho biết, tháng 5/2017, sau khi hợp nhất với Ban QLDA đường thủy của Cục Đường thủy nội địa VN, tổng số nhân sự của đơn vị là 120 người. “Số lượng cán bộ, lao động của ban giảm dần theo số lượng công việc, đến nay chỉ còn 65 người, phần lớn đang nghỉ không lương, chỉ còn một số người buộc phải duy trì để thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán, chuẩn bị dự án mới. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tinh giản xuống còn khoảng 50 người. Phải nói rằng, đến thời điểm này, ai còn bám trụ lại đơn vị thực sự là những người rất dũng cảm”, ông Thăng chia sẻ.

“Thống kê trong 20 năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư cho đường thủy chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng vốn đầu tư của toàn ngành GTVT. Có những dự án chúng tôi đã chuẩn bị đầu tư từ 2 - 3 năm trước như dự án hành lang đường thủy và logistics (250 triệu USD), dự án hành lang 2, tuyến sông Luộc từ Quảng Ninh đi Ninh Bình nhưng vẫn chưa được chấp thuận đầu tư”, ông Thăng chia sẻ.

Tinh giản bộ máy, trả lương theo hiệu quả công việc

Theo thông tin từ Vụ KH&ĐT, hiện nay Bộ GTVT có 13 ban QLDA, trong đó có 9 ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT và 4 ban QLDA trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN. Cụ thể, 9 ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT gồm: Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 2, Ban QLDA 6, Ban QLDA 7, Ban QLDA 85, Ban QLDA đường sắt, Ban QLDA các dự án đường thủy và Ban QLDA hàng hải. Còn lại, 4 ban QLDA trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN gồm: Ban QLDA 3, Ban QLDA 4, Ban QLDA 5 và Ban QLDA 8.

Trước thực trạng khó khăn trên, từ nửa cuối tháng 8/2019 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể liên tục làm việc với nhiều PMU như: Thăng Long, PMU 7, PMU 2, PMU 6 để nắm rõ thực trạng và đưa ra những giải pháp chỉ đạo nhằm tháo gỡ cho từng đơn vị. Vấn đề tiên quyết được người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu chung đối với tất cả các PMU là phải có những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, giải ngân nhanh đối với các dự án đang triển khai, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các PMU cần nghiên cứu để có giải pháp tiếp tục tinh giản biên chế, bộ máy tổ chức nên duy trì khoảng 60 - 80 người để sử dụng hiệu quả nguồn lực, khi nào có thêm việc sẽ tuyển mới. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, các PMU cần phải xem xét lại vấn đề trả lương cho cán bộ, viên chức.

“Cơ chế trả lương cần căn cứ theo hiệu quả công việc, người làm tốt, làm nhiều được hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít, không nên trả theo chế độ bình quân như hiện nay”, Bộ trưởng gợi ý.

Căn cứ vào thực trạng của từng ban, người đứng đầu ngành GTVT cũng đưa ra một số giải pháp lâu dài để các đơn vị hoạt động ổn định. Đơn cử, với PMU 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo đơn vị này cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ của các dự án đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được bố trí nguồn vốn để Vụ KH&ĐT tổng hợp, đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT. Riêng 3 dự án giao thông sử dụng vốn ODA do Ban QLDA 2 đang chuẩn bị thực hiện gồm: Dự án QL19 (vốn vay WB), dự án kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (vốn vay ADB), dự án cầu yếu (vốn vay EDCF), Bộ trưởng yêu cầu đơn vị bám sát các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm khởi động các dự án.

Tương tự, với PMU đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ KH&ĐT ưu tiên sắp xếp 3 dự án: Chợ Mới - Chợ Chu, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, Chơn Thành - Đức Hòa vào danh mục các dự án đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT, còn lại, dự án Đoan Hùng - Chợ Bến sẽ sắp xếp đầu tư sau. Đối với PMU Thăng Long, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung cao độ để triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tiến độ và chất lượng của dự án phải đặt lên hàng đầu, Ban QLDA Thăng Long phải tập trung nhân lực, lựa chọn những người giỏi nhất để triển khai 2 dự án này.

Riêng dự án PPP cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban QLDA Thăng Long chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hồ sơ để khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn ngân sách cho dự án sẽ triển khai ngay các bước tiếp theo. Sau khi dự án được phê duyệt, Ban phải khẩn trương triển khai công tác sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn đầu tư, đặc biệt công tác GPMB của dự án phải thực hiện ngay, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-nhieu-pmu-thieu-viec-lam-no-luong-d434543.html