Vì sao nữ nhân viên không dám báo cáo việc bị quấy rối

Không chỉ bị trả mức lương thấp hơn nam giới, nhiều nhân viên nữ đối mặt nạn quấy rối, lo sợ mất cơ hội nếu có bầu và sinh con.

Những biểu hiện đầu tiên về sự bất bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là sự chênh lệch mức lương giữa nam và nữ. Thế nhưng, không chỉ ở khía cạnh tiền bạc, còn có nhiều bất công khác ở chốn công sở đối với nữ giới mà ít khi được chú ý.

Đối mặt nạn quấy rối, bị giao những nhiệm vụ không tên, lo sợ mất cơ hội nghề nghiệp khi mang bầu và có con là những vấn đề mà nữ giới khó bày tỏ với cấp trên, theo Her World

Không dám nói mình bị quấy rối

Theo một cuộc khảo sát cách đây 3 tháng của Her World với 3.000 phụ nữ, gần 1/4 số người được hỏi cho biết từng là nạn nhân hoặc nhân chứng của quấy rối tình dục nơi làm việc. Kết quả này giống với phát hiện của tổ chức Association of Women for Action and Research (Aware).

 Nhiều nữ nhân viên không dám báo cáo hay phản ứng lại hành vi quấy rối vì sợ bị trả thù, mất việc.

Nhiều nữ nhân viên không dám báo cáo hay phản ứng lại hành vi quấy rối vì sợ bị trả thù, mất việc.

Tháng 1/2021, Aware và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đã công bố kết quả cuộc khảo sát đại diện bao gồm cả hai giới. Theo đó khi được hỏi "Bạn có bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc trong vòng 5 năm qua không?", 1/5 người tham gia nói "có".

Đặc biệt, khi các tình huống quấy rối được mô tả cụ thể, cứ 5 người thì có 2 người nói rằng họ đã từng trải qua những hành vi như vậy. Điều này cho thấy mọi người không phải lúc nào cũng nhận thức được thế nào là quấy rối tình dục và có thể đã phải đối mặt với những hành vi khiếm nhã mà không hề hay biết.

Shailey Hingorani, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Vận động tại Aware, cho biết: "Chúng tôi biết rằng quấy rối tình dục tại nơi làm việc thực sự là một vấn đề phổ biến và cấp bách ở Singapore".

"Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng chỉ có hơn 30% số nạn nhân thực sự nộp báo cáo chính thức khi bị quấy rối. Điều này cho thấy rằng chúng tôi không thể chỉ dựa vào các trường hợp được báo cáo để đánh giá tỷ lệ thực tế".

Shailey cho biết thêm nhiều người không phản ánh vì muốn quên đi sự việc, hoặc không nghĩ rằng nó đủ nghiêm trọng. Một số người cảm thấy rằng họ không có đủ bằng chứng về hành vi quấy rối, trong khi những người khác lo sợ tổn hại danh tiếng hoặc bị trả thù.

"Nạn nhân cũng có thể cảm thấy e ngại về việc theo đuổi các thủ tục điều tra phức tạp và kéo dài, điều này có thể khiến họ bị tổn thương thêm", Shailey nói.

Thực tế, trong cuộc khảo sát, nhóm nhận thấy rằng 2 trong số 5 trường hợp được báo cáo, kẻ quấy rối đã bị công ty kiểm điểm hoặc sa thải. Nhưng 1/5 trường hợp khác, kẻ quấy rối không phải đối mặt với hậu quả nào mặc dù có bằng chứng về hành vi quấy rối.

Vấn đề khó nói

Nhiều phụ nữ tham gia khảo sát cho biết cảm thấy thực sự khó khăn khi là một nữ nhân viên nơi công sở. Sự khó khăn lớn hơn với phụ nữ ở độ tuổi 30-39.

Dù có sự khác biệt nhỏ giữa các phân khúc liên quan đến vị trí công việc và thu nhập cá nhân hàng tháng, giới tính vẫn là một rào cản đối với nhiều phụ nữ ở cả nơi làm việc và gia đình.

 Dù nỗ lực song không ít phụ nữ bị đánh giá thấp hơn nhân viên nam.

Dù nỗ lực song không ít phụ nữ bị đánh giá thấp hơn nhân viên nam.

Nhiều người phản ánh họ bị giao những việc không liên quan tới chuyên môn như tổ chức và đặt chỗ cho bữa trưa tập thể, phục vụ trà nước.

Điều này khiến nhân viên nữ không tập trung vào công việc chính mà còn khiến gia tăng niềm tin rằng nữ giới nên đảm nhận những công việc "bên lề".

Phụ nữ cũng bị coi sẽ ít quan tâm tới công việc hơn khi có con cái. Trong số các bà mẹ đang đi làm được khảo sát, độ tuổi 30-39, cho biết họ cống hiến ít hơn cho công việc. Song với những bà mẹ trên 40 tuổi, con cái không phải vấn đề vì chúng đã lớn.

Việc nhà tuyển dụng hỏi về kế hoạch sinh con của một phụ nữ cũng được coi là chuyện thường.

1/4 số người được hỏi cho biết họ đã được nhà tuyển dụng thắc mắc về kế hoạch sinh con. 28% trong số người được khảo sát chọn không tiết lộ kế hoạch của mình.

Song không có tác động lớn của kế hoạch sinh con đối với cơ hội việc làm. Trong số những người được hỏi đã có kế hoạch sinh con, 62% được đề nghị một vị trí phù hợp.

Tuy nhiên, do áp lực từ trách nhiệm công việc và chăm sóc gia đình, không ít phụ nữ phải từ bỏ cơ hội nghề nghiệp.

Một vấn đề khác là những nữ nhân viên cũng tỏ ra khó xử với việc bày tỏ tình hình sức khỏe mỗi kỳ kinh nguyệt. Bởi chuyện đau bụng, khó chịu những ngày đến tháng ít khi được xem là vấn đề thể chất.

45% trong số những người từ 20 đến 29 tuổi nói rằng họ vẫn rất có thể đi làm bất chấp giai đoạn cực kỳ khó chịu này. Họ không thoải mái khi nói với người giám sát về điều đó, hoặc cảm thấy như sẽ không được nghỉ ốm vì những vấn đề không được chia sẻ bởi cả hai giới.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nu-nhan-vien-khong-dam-bao-cao-viec-bi-quay-roi-post1191125.html