Vì sao ô nhiễm không khí lan rộng ra vùng nông thôn?
Vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Ô nhiễm không khí phía Bắc thường cao hơn so với miền Trung.
Các tỉnh xung quanh Hà Nội cũng ô nhiễm không khí dài ngày
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 8h00 sáng 9/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 187, Hà Nội đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức "không lành mạnh."
So với ngày 8/1, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội ngày 9/1 đã giảm từ mức màu tím "rất không tốt" xuống mức màu đỏ "không lành mạnh". Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI màu tím "rất không tốt" ở mức 231.
Một thành phố khác của Việt Nam cũng nằm trong top 10 vào thời điểm trên, là Thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ 9, với chỉ số chất lượng không khí ở mức 164, mức màu đỏ "không lành mạnh." Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h45 phút sáng thuộc về khu vực thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình với chỉ số AQI ở mức 192 , chất lượng không khí xấu. Xếp về chỉ số ô nhiễm không khí sau Thái Bình là thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) với chỉ số AQI ở mức 177.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, sáng nay tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã được cải thiện hơn những ngày trước. Ngày mai và ngày kia ô nhiễm không khí tiếp tục có xu hướng giảm trong khi Khu vực từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi bắt đầu có mưa nhỏ trở lại.
Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành". Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025, dự kiến 4 đoàn công tác sẽ giám sát trực tiếp từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7 tại 15 địa phương, trong đó có Hà Nội. Dự kiến báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, TP hiện có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.
Đáng chú ý, Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau.
Vùng nào ở nông thôn ô nhiễm nhất?
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 - Môi trường nông thôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố đánh giá chất lượng môi trường không khí ở vùng nông thôn - nơi sinh sống của hơn 61 triệu dân thường xuyên ở mức tốt, nhưng đã ghi nhận ô nhiễm cục bộ.
Kết quả quan trắc cho thấy vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Ô nhiễm không khí phân hóa theo vùng miền, phía Bắc thường cao hơn so với miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tại mỗi vùng miền, chất lượng không khí cũng có sự phân hóa về nồng độ, phụ thuộc vào sự phân bố của các nguồn thải.
Theo báo cáo, ở nông thôn khu vực ô nhiễm nhất là các làng nghề. Kết quả quan trắc tại làng nghề Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Phong Khê, Văn Môn (Bắc Ninh), Ninh Văn (Ninh Bình) cho thấy chỉ số bụi lơ lửng vượt quy chuẩn có nơi gần hai lần.
Riêng tại trạm Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nơi gần làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá cho thấy thông số bụi PM 10 và PM 2.5 trung bình năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay vượt quy chuẩn.
Tiếp theo là khu vực gần khu công nghiệp như cụm công nghiệp Phong Khê 2, Lỗ Sung (Bắc Ninh), Phong Phú (Trà Vinh), chỉ số bụi mịn vượt quy chuẩn. Hay tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) từ năm 2021 đến nay bụi PM 2.5 đều vượt quy chuẩn.
Ô nhiễm không khí nông thôn cũng ghi nhận tại khu vực khai thác và vận chuyển khoáng sản. Báo cáo chỉ ra khu vực chế biến khoáng sản tại Lào Cai, Phú Thọ, Đà Nẵng, Vĩnh Long có giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn trung bình 1,1-2,2 lần.
Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.