Vì sao Pháp, Ý, Tây Ban Nha không cùng Anh-Mỹ tấn công Houthis?

Việc Ý, Tây Ban Nha và Pháp không cùng Anh và Mỹ tấn công Houthis cho thấy đây lại là một vấn đề khiến châu Âu chia rẽ.

Theo hãng tin Reuters, việc các nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp không cùng Anh và Mỹ tấn công Houthis (Yemen) là dấu hiệu cho thấy châu Âu chia rẽ về cách đối phó nhóm vũ trang này.

Nhóm này gần đây nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự ở Biển Đỏ, gây gián đoạn hoạt động hàng hải ở khu vực này. Các hành động của Houthis được cho là nhằm phản đối những hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Hà Lan, Úc, Canada, Bahrain hỗ trợ hậu cần và tình báo

Đêm 11-1 và rạng sáng 12-1 (giờ Mỹ), máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ và Anh đã triển khai hàng chục đợt không kích khắp Yemen để trả đũa các cuộc tấn công liên tục của Houthis vào Biển Đỏ - một trong những tuyến đường vận chuyển thương mại tấp nập nhất thế giới.

Đài CNN dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Mỹ đã thực hiện thêm đợt tấn công nữa nhằm vào mục tiêu quân sự của Houthis ở Yemen trong đêm 12-1 (giờ Mỹ). Các đợt tấn công mới có phạm vi nhỏ hơn nhiều so với vụ tấn công một đêm trước đó.

 Một máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh tham gia cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công các mục tiêu quân sự của Houthis (Yemen) sáng 12-1. Ảnh: REUTERS

Một máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh tham gia cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công các mục tiêu quân sự của Houthis (Yemen) sáng 12-1. Ảnh: REUTERS

Các quan chức Mỹ cho biết Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain đã hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chiến dịch này.

Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã cùng Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain ký một tuyên bố chung lý giải nguyên nhân tấn công, cũng như cảnh báo sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ dòng chảy tự do của thương mại Biển Đỏ nếu Houthis không lùi bước.

Ý, Tây Ban Nha, Pháp chọn đứng ngoài, lý do?

Một nguồn tin trong văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết rằng Ý đã từ chối ký vào tuyên bố và kết quả là không được gọi tham gia nỗ lực này.

Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ Ý cho biết nước này đã được đề nghị tham gia nhưng đã từ chối vì hai lý do. Thứ nhất là vì bất kỳ sự tham gia nào của Ý đều cần có sự chấp thuận của quốc hội và việc này sẽ mất thời gian. Thứ hai là vì Rome muốn theo đuổi chính sách "bình tĩnh" trước tình hình căng thẳng Biển Đỏ hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto hồi đầu tuần đã bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc nhắm mục tiêu vào Houthis. Ông chia sẻ với Reuters rằng hành động của Houthis phải được ngăn chặn nhưng không các bên không nên gây ra một cuộc chiến mới trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết Madrid không tham gia hành động quân sự ở Biển Đỏ vì muốn thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

"Mọi quốc gia đều phải đưa ra lời giải thích cho hành động của mình. Tây Ban Nha sẽ luôn cam kết hòa bình và đối thoại” - bà nói.

Phát biểu với điều kiện giấu tên, một quan chức Pháp cho biết Paris lo ngại rằng nếu tham gia các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, họ sẽ mất đi mọi đòn bẩy có được trong các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hezbollah và Israel. Gần đây, Pháp đã tập trung phần lớn hoạt động ngoại giao của họ vào nỗ lực giảm thang căng thẳng ở Lebanon.

Khi được hỏi liệu Pháp có từ chối tham gia hay không, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết ông sẽ không nói chi tiết về các cuộc đối thoại ngoại giao. Ông sau đó nói rằng tuy không trực tiếp tham gia không kích, song nhiều nước cũng đã cam kết hỗ trợ chiến dịch, đặc biệt là hỗ trợ phi vũ trang.

Theo Reuters, một nhà ngoại giao nắm rõ quan điểm của Pháp (giấu tên) cho biết Paris không tin rằng vụ tấn công của Mỹ và Anh có thể được xem là hành động tự vệ hợp pháp.

Mỹ, Anh khẳng định vụ tấn công Houthis hợp pháp theo luật quốc tế

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 12-1, Mỹ và Anh khẳng định cuộc tấn công của hai nước nhằm vào Houthis là hợp pháp theo luật quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết các cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào nhóm Houthis phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

 Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: SIPA USA

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: SIPA USA

Theo bà, hoạt động này được thiết kế để "làm gián đoạn và suy yếu năng lực của Houthis trong việc tiếp tục tấn công vào tàu thuyền và tàu chở hàng thương mại" trong khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi phản ứng ngoại giao trong lúc tìm cách bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại, bà nói.

Phần mình, Đại sứ Anh tại LHQ Susan Woodward nhấn mạnh rằng với sự hỗ trợ phi vũ trang của Hà Lan, Canada, Bahrain và Úc, Anh đã cùng với Mỹ hành động cần thiết và tương xứng để tự vệ.

Trong khi đó, phía Nga và Trung Quốc (TQ) cáo buộc phương Tây đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc các cuộc không kích của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế và khiến căng thẳng trong khu vực ngày một leo thang. Theo ông, những cuộc tấn công đó là không thể chấp nhận được, đồng thời chỉ trích chúng là “không cân xứng và bất hợp pháp”.

Đại sứ TQ tại LHQ Trương Quân nói rằng HĐBA không cho phép sử dụng vũ lực chống lại Yemen. Theo ông, hoạt động của Mỹ và Anh “không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng và gây thương vong cho dân thường mà còn dẫn đến rủi ro an ninh ngày càng cao ở Biển Đỏ”.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-phap-y-tay-ban-nha-khong-cung-anh-my-tan-cong-houthis-post771695.html