Vì sao phe Dân chủ quyết luận tội ông Trump ở những ngày cuối?

Với quyết tâm luận tội tổng thống, phe Dân chủ muốn ông Trump không thể gây thêm hành động nguy hiểm nào ở những ngày cuối, và ngăn ông nắm quyền trở lại trong tương lai.

Giữa trưa ngày 13/1 ở Washington D.C. (khoảng nửa đêm ngày 14/1 theo giờ Việt Nam), cuộc tranh luận về luận tội Tổng thống Trump chính thức diễn ra ở Hạ viện với sự tham gia đầy đủ của các nghị sĩ.

Cuộc luận tội lần này được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử Mỹ vì nhiều yếu tố: chưa tổng thống nào bị luận tội nhiều hơn một lần; việc luận tội tổng thống cũng chưa từng diễn ra trong ngày cuối nhiệm kỳ; và phiên xét xử ở Thượng viện sẽ diễn ra khi tổng thống đã rời nhiệm sở.

Hơn nữa, ông Trump vẫn có khả năng được tuyên trắng án tại Thượng viện, tương tự hồi năm 2019.

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản quyết tâm hành động của đảng Dân chủ. Phe này chỉ mất một tuần từ sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1 cho các việc như soạn thảo nghị quyết luận tội và tiến hành bỏ phiếu thông qua vào ngày 13/1.

"Bởi vì hành vi của Tổng thống Trump thật đáng trách và cực kỳ nguy hiểm, các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện cảm thấy họ phải làm điều gì đó. Đây là vấn đề nguyên tắc", giáo sư Mitchell Berman, chuyên gia về luật hình sự và luật hiến pháp tại Đại học Pennsylvania, nói với Zing.

Theo giáo sư Berman, phe Dân chủ cũng lo sợ ông Trump có thể gây ra thêm chuyện nguy hiểm từ bây giờ cho đến ngày diễn ra lễ nhậm chức của ông Joe Biden, nên họ phải hành động để ngăn chặn.

 Phát biểu đầu phiên tranh luận ở Hạ viện ngày 13/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định các hành vi của ông Trump rất nguy hiểm. "Ông ấy phải ra đi", bà Pelosi nói. Ảnh: Reuters.

Phát biểu đầu phiên tranh luận ở Hạ viện ngày 13/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định các hành vi của ông Trump rất nguy hiểm. "Ông ấy phải ra đi", bà Pelosi nói. Ảnh: Reuters.

Những hành động nguy hiểm của ông Trump

Giáo sư Frank Bowman, nhà nghiên cứu tại Đại học Missouri về luật hiến pháp và quá trình luận tội quan chức, nói các đảng viên Dân chủ hành động mạnh mẽ như vậy là bởi trong hai tháng qua, ông Trump đã nỗ lực thuyết phục hàng triệu người Mỹ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

"Điều này hoàn toàn sai sự thật”, ông khẳng định với Zing.

“Kế đó, tổng thống cố gắng buộc quan chức Cộng hòa ở các bang thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho mình. Cuối cùng, ông ấy ép Phó tổng thống Mike Pence và quốc hội bóp méo kết quả bầu cử”, giáo sư Bowman nhắc lại những diễn biến thời gian qua.

 Giáo sư Frank Bowman. Ảnh: law.missouri.edu.

Giáo sư Frank Bowman. Ảnh: law.missouri.edu.

Những nỗ lực nhằm thay đổi kết quả bầu cử lên đến đỉnh điểm khi ông Trump khuyến khích những người ủng hộ mình tuần hành đến Điện Capitol với rủi ro bạo lực xảy ra rất rõ ràng.

"Và bạo loạn thực sự nổ ra, vài người đã mất mạng", ông Bowman nói.

"Tất cả những điều trên là quá đủ lý do hợp lý nhất để quốc hội nhanh chóng lên án ông Trump thông qua việc luận tội, cố gắng phế truất ông ngay lập tức - dù quá trình này không thể hoàn tất trong 8 ngày còn lại - và khiến ông không còn tư cách nắm giữ chức vụ trong chính quyền một lần nữa", giáo sư Bowman nói với Zing.

Sau khi luận tội được thông qua ở Hạ viện, phiên xét xử và kết án sẽ diễn ra ở Thượng viện. Người bị luận tội có quyền chuẩn bị việc biện hộ cùng các luật sư của mình. Cần ít nhất 2/3 nghị sĩ Thượng viện đồng ý để kết án người bị luận tội - một điều khó có thể đạt được.

Tuy nhiên, việc này không ngăn cản phe Dân chủ thực hiện quyết tâm luận tội tổng thống.

"Một kết luận khái quát được chấp nhận là phe Dân chủ có cam kết cao hơn đối với sự công bằng và với việc bảo vệ những tiêu chuẩn xã hội, hơn là đảng Cộng hòa. Điều này một phần nằm ở xu hướng nhân khẩu học về lâu dài cho thấy phe Dân chủ sẽ có lợi, trong khi đảng Cộng hòa phải 'chơi chiêu' để tồn tại", theo giáo sư Berman nói với Zing.

Do vậy, ông Berman nói những nghị sĩ Dân chủ được thôi thúc bởi "tinh thần sâu sắc" phải hành động.

Đảng Cộng hòa giảm dần ủng hộ cho ông Trump

Theo giáo sư Berman, nhiều nghị sĩ Dân chủ hy vọng một số đảng viên Cộng hòa sẽ đứng dậy để đối đầu và chỉ trích những gì đảng này đã làm trong 4 năm qua. "Thực tế là nhiều người đã làm như vậy, nhưng phần lớn thì không", ông nói với Zing.

 Giáo sư Mitchell Berman. Ảnh: law.upenn.edu.

Giáo sư Mitchell Berman. Ảnh: law.upenn.edu.

Theo Reuters, tại phiên tranh luận ở Hạ viện vào ngày 13/1, sáu hạ nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố bỏ phiếu chấp nhận luận tội tổng thống.

Thủ lĩnh phe Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy thừa nhận ông Trump có trách nhiệm trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol hồi tuần trước.

Tuy nhiên, ông McCarthy - một đồng minh trung thành của ông Trump - chưa tỏ ý sẽ bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông Trump.

Trong khi đó, Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell được cho là ủng hộ việc Hạ viện luận tội ông Trump.

Theo các nguồn tin của New York Times, ông McConnell nói rất rõ với các cộng sự rằng đã đến lúc để loại bỏ tổng thống.

Nhưng ông McConnell cũng nói sẽ không nêu quan điểm công khai về việc kết án cho đến khi xem nghị quyết của Hạ viện chuyển qua.

Giáo sư Bowman tỏ ra thận trọng khi nói với Zing rằng ông chưa thể chắc chắn việc Thượng viện sẽ không kết án tổng thống.

"Đúng là nhiều người chống lại việc này, nhưng một bộ phận nghị sĩ Cộng hòa ở cả hai viện đang tỏ ý ủng hộ phế truất ông Trump. Bức tường kháng cự của đảng Cộng hòa đang nứt dần, và nó có thể tiếp rục rạn vỡ, đủ để đạt số phiếu cho một bản án", ông Bowman nói.

 Thượng nghị sĩ McConnell được cho là ủng hộ nỗ lực luận tội ông Trump của phe Dân chủ, nhưng ông không nói sẽ bỏ phiếu kết án tổng thống hay không. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ McConnell được cho là ủng hộ nỗ lực luận tội ông Trump của phe Dân chủ, nhưng ông không nói sẽ bỏ phiếu kết án tổng thống hay không. Ảnh: Reuters.

Ngăn cản ông Trump tái tranh cử năm 2024?

Phiên xét xử Tổng thống Trump tại Thượng viện gần như chắc chắn sẽ diễn ra sau khi ông rời nhiệm sở, bởi cơ quan này chỉ hoạt động trở lại vào ngày 20/1.

Nhận định về những ý kiến cho rằng việc luận tội diễn ra quá trễ, giáo sư Bowman nói phe Dân chủ chỉ có hai động cơ quan trọng nhất khi hành động lúc này: ngăn chặn những hành động nguy hiểm của tổng thống trong ngày cuối nhiệm kỳ; và tách ông Trump khỏi các cơ quan công quyền vĩnh viễn, nếu nhận thấy ông vẫn còn khả năng đe dọa đến đất nước khi được nắm quyền trở lại trong tương lai.

Theo giáo sư Berman, hiến pháp Mỹ quy định việc luận tội chỉ với mục đích phế truất một người khỏi chức vụ hiện hành.

"Một số ý kiến nói việc cấm một người tiếp tục trở thành quan chức nhà nước trong tương lai sẽ diễn ra ngay lập tức sau khi Thượng viện kết án. Điều này là không đúng", ông nói với Zing.

Theo vị giáo sư ở Đại học Pennsylvania, nếu như Thượng viện cần tới 2/3 số phiếu để kết án một người, thì cơ quan này chỉ cần đa số phiếu bầu là có thể cấm một người tiếp tục chạy đua cho chức vụ trong tương lai.

Giáo sư Bowman khẳng định trong một bài viết trên Washington Post rằng “việc luận tội quan chức sau khi họ rời nhiệm sở thường khá vô nghĩa, hành động này trong một số trường hợp - như với ông Trump - có thể phục vụ lợi ích quốc gia”.

 Nếu Thượng viện quyết định kết án ông Trump, cơ quan này có thể tiếp tục bỏ phiếu để cấm ông ứng cử các chức vụ công quyền trong tương lai. Ảnh: NYT.

Nếu Thượng viện quyết định kết án ông Trump, cơ quan này có thể tiếp tục bỏ phiếu để cấm ông ứng cử các chức vụ công quyền trong tương lai. Ảnh: NYT.

Đây cũng chính là điều mà Hạ nghị sĩ Ted Lieu, người tham gia soạn thảo nghị quyết về việc luận tội ông Trump, chia sẻ trong bài bình luận đăng trên tờ Los Angeles Times.

"Một điều khoản trong nghị quyết luận tội của chúng tôi đề cập cụ thể việc 'loại bỏ tư cách nắm quyền'. Như vậy, việc bị phế truất ở quốc hội sẽ ngăn cản ông Trump đe dọa đất nước chúng ta một lần nữa, qua việc sử dụng quyền lực của một chức vụ dân cử", nghị sĩ Ted Lieu viết.

Thời điểm luận tội không ảnh hưởng mục tiêu

Khi phe Dân chủ thúc đẩy việc luận tội ông Trump, điều khiến giáo sư Bowman lo ngại là những người ủng hộ ông Trump sẽ càng thêm tức giận.

"Đó là điều có thể xảy ra, thật buồn là như vậy. Nhưng bạn chắc chắn sẽ không từ chối việc khởi tố những người đột nhập vào nhà mình và cố gắng đốt nó, chỉ bởi việc truy tố sẽ khiến thủ phạm và bạn bè của họ nổi điên", ông Bowman nói với Zing.

Một số luồng ý kiến cho rằng phe Dân chủ nỗ lực luận tội Tổng thống Trump có thể mâu thuẫn với tuyên bố của tổng thống đắc cử Joe Biden hướng đến quá trình hàn gắn đất nước.

Tuy nhiên, giáo sư Bowman nói sự hòa giải và hàn gắn “có thể được tiến hành sau khi toàn bộ vụ bạo loạn được điều tra kỹ lưỡng và xác định được người chịu trách nhiệm”.

“Thêm vào đó, ông Biden đã tuyên bố công khai rằng ông sẽ buộc những người cố gắng hủy hoại nền dân chủ Mỹ phải chịu trách nhiệm”, ông Bowman lưu ý với Zing.

"Ông Biden cũng bày tỏ niềm tin vào quốc hội, đặc biệt là Thượng viện, có thể tiến hành đồng thời hai việc cùng lúc (xét xử ông Trump, và thông qua các chương trình chính sách của phe ông Biden). Tôi cũng tin như vậy", giáo sư Bowman nói.

Người ủng hộ ông Trump gây hấn với nghị sĩ Dân chủ ở sân bay Hạ nghị sĩ Dân chủ Lou Correa (bang California) bị người ủng hộ Tổng thống Trump bao vây, la hét ở sân bay Dulles khi ông đang trên đường trở về nhà.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-phe-dan-chu-quyet-luan-toi-ong-trump-o-nhung-ngay-cuoi-post1173197.html