Vì sao quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Anh bị chững lại?

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Vương quốc Anh dường như đang chậm lại, đúng vào thời điểm mang tính quyết định đối với cả lĩnh vực kinh tế và môi trường.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Vương quốc Anh dường như đang chậm lại. Ảnh RT

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Vương quốc Anh dường như đang chậm lại. Ảnh RT

Đảng Lao động nước Anh đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: năm 2030, 95% sản lượng điện của Anh sẽ đến từ các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, nhiều dự án năng lượng tái tạo bị đình trệ cho thấy ngành này có thể đang thu hẹp, ngay cả khi Chính phủ đang tìm cách mở rộng quy mô sản xuất năng lượng sạch.

Vương quốc Anh đã áp dụng nhiều chính sách nhằm thu hẹp ngành nhiên liệu hóa thạch trong nước và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch. Áp lực lên ngành dầu khí dường như đang phát huy hiệu quả. Chỉ mới tháng trước, công ty dầu khí Harbour Energy thông báo cắt giảm hàng trăm việc làm tại khu vực Biển Bắc, hàng nghìn vị trí khác cũng đang đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm. Hiện họ gần như không có kế hoạch dự phòng nào cho lực lượng lao động này. Dù Chính phủ đã đồng ý cấp một số giấy phép khai thác dầu khí mới ở Biển Bắc, tuy nhiên, những giấy phép này hiện đang gặp nhiều rắc rối tại tòa án. Thêm vào đó, trữ lượng dầu khí tại Biển Bắc cũng đang dần cạn kiệt.

Tuy nhiên, dù ngành dầu khí đang có dấu hiệu suy giảm, các dự án năng lượng sạch lại chưa thể thay thế với tốc độ như kỳ vọng. Những dự án có khả năng tạo công ăn việc làm cho các lao động mất việc từ ngành nhiên liệu hóa thạch đang phải đối mặt với “những trì hoãn liên tục” và các điều kiện tài chính không khả thi. Theo BBC, “khoảng cách giữa ngành đang suy tàn và ngành đang vươn lên đang ngày một xa”. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với người lao động tại Anh, mà còn đối với an ninh năng lượng quốc gia.

BBC lưu ý rằng hàng loạt dự án năng lượng sạch bị hủy bỏ và trì hoãn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, hầu hết đều không liên quan đến “bàn tay vô hình” của thị trường. “Chính phủ Anh đã đặt mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng sạch, có thể các nhà phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch đang lạm dụng việc tạm dừng dự án như một đòn bẩy để đạt được những cam kết hấp dẫn hơn về giá cả”, BBC đưa ra giả thuyết. “Cũng có thể Harbour Energy đang hậu thuẫn cho toàn ngành dầu khí nhằm gây áp lực lên chính phủ Anh để yêu cầu một môi trường kinh doanh ít thù địch hơn”, báo cáo tiếp tục. “Chỉ mất vài phút kể từ khi Harbour công bố việc cắt giảm nhân sự đến phiên chất vấn Thủ tướng, cả đảng Bảo thủ lẫn SNP đều đồng loạt gia tăng sức ép”.

Rõ ràng, kế hoạch tạo dựng một quá trình chuyển đổi năng lượng sạch suôn sẻ và công bằng là điều không hề dễ dàng. Nghiên cứu từ tổ chức vận động Oil Change International ước tính rằng, để xây dựng hệ thống điện chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo mà không “bỏ rơi” lực lượng lao động trong ngành dầu khí, Vương quốc Anh sẽ cần khoảng 1,9 tỷ bảng mỗi năm. “Trong số này, khoảng 1,1 tỷ bảng sẽ được dùng để phát triển ngành công nghiệp điện gió và tạo việc làm mới, khoảng 440 triệu bảng sẽ được đầu tư vào việc nâng cấp các cảng để có khả năng xây dựng và bảo trì các tua-bin gió ngoài khơi, 355 triệu bảng sẽ dành cho quỹ đào tạo người lao động từ ngành dầu khí”, theo The Guardian đưa tin.

Cuộc chiến về các điều kiện và điều khoản trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Vương quốc Anh không chỉ khiến người dân Anh rơi vào tình cảnh khó khăn, nó còn tạo là mối đe dọa lớn đối với an ninh năng lượng và các mục tiêu khí hậu của quốc gia. Nếu không đạt được mục tiêu về một ngành năng lượng tái tạo vững mạnh đủ để thay thế ngành nhiên liệu hóa thạch đang suy yếu, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khí tự nhiên nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng chính trị và địa chính trị, cùng với những biến động giá cả mà nó mang lại.

Đây là tin xấu đối với người tiêu dùng Anh, những người đã phải chi trả mức giá cao cho năng lượng trong những năm qua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, bên cạnh đó là các mức thuế trả đũa đối với Kremlin, một trong những nhà cung cấp dầu khí lớn nhất thế giới. Các ước tính gần đây cho thấy khoảng 11% hộ gia đình ở Anh đang thuộc diện nghèo năng lượng, 34% ở Scotland, 14% ở xứ Wales và 24% ở Bắc Ireland. Điều này đồng nghĩa những hộ gia đình này phải chi phần lớn thu nhập để giữ nhiệt độ trong nhà ở mức hợp lý.

Anh Thư

RT

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-sao-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-xanh-cua-anh-bi-chung-lai-727692.html