Vì sao tạm hoãn phiên tòa ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị kiện?
Luật sư của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho hay, CD 'Góc khuất' do Công ty Tiếng hát Việt sản xuất và mua độc quyền ca khúc từ nhạc sĩ Trương Tuấn Huy.
Chiều 29/11, TAND quận 10 (TP.HCM) quyết định hoãn phiên tòa xử vụ kiện giữa nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân (35 tuổi) và ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng).
Đầu giờ chiều 29/11, nhạc sĩ Trường Nhân cùng luật sư đến tòa từ sớm. Phía bị đơn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lại không đến tòa mà ủy quyền cho luật sư Lê Quang Vy.
Phiên tòa còn triệu tập ông Nguyễn Anh Huy (nghệ danh là Trương Tuấn Huy) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, người này cũng vắng mặt nên tòa quyết định hoãn.
Được biết, vụ kiện được tòa thụ lý từ ngày 9/5/2013 theo đơn khởi kiện của nhạc sĩ Trường Nhân. Nhạc sỹ Nhân trình bày ông là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm “Vị ngọt”. Trong đó, bài hát “Chút tình” là một trong 8 bài hát trong tuyển tập “Vị ngọt” đã được Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả vào 30/6/2006, đang có hiệu lực pháp luật.
Trong khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã và đang sử dụng bài hát “Chút tình” trong tác phẩm “Vị ngọt” trên để công bố, biểu diễn, phân phối tác phẩm trên thị trường mà không được sự đồng ý hay cho phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, luật sư đại diện cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho hay, CD "Góc khuất” do Công ty Tiếng hát Việt sản xuất và công ty này đã mua độc quyền ca khúc từ nhạc sĩ Trương Tuấn Huy.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ được mời thu và ca sĩ cũng chưa biểu diễn bài hát ở bất cứ sân khấu nào. Việc kinh doanh, thu lợi nhuận hay không do Công ty Tiếng hát Việt làm, hoàn toàn không liên quan đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Vì vậy đối tượng tranh chấp với ông Nhân là Công ty Tiếng hát Việt, không phải ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Được biết, trong quá trình giải quyết, tòa đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Trong các lần hòa giải, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đều không có mặt mà ủy quyền cho luật sư.
Ông Nhân không đồng ý với việc hòa giải nhưng có thay đổi yêu cầu bồi thường từ 300 triệu đồng xuống còn 150 triệu đồng và phải công khai xin lỗi.
Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào cuối tháng 12.