Vì sao Temu không được ASEAN chào đón như Shopee và Lazada?

Nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã âm thầm 'mở cửa' đón người mua Việt Nam và Brunei vào cuối tháng 9 vừa rồi. Là mô hình doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Temu hiện đã thâm nhập năm thị trường Đông Nam Á, với ba nơi đầu tiên là Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Từ Philippines, Tiến sĩ Erwin Guile Dizon, Giám đốc Trung tâm Ricardo Leong chuyên nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Ateneo de Manila, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn về những cơ hội và thách thức mà Temu mang lại.

Tiến sĩ Erwin Guile Dizon từ Trung tâm Ricardo Leong chuyên nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Ateneo de Manila tại Philippines.

Tiến sĩ Erwin Guile Dizon từ Trung tâm Ricardo Leong chuyên nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Ateneo de Manila tại Philippines.

KTSG: Tháng 6-2023, Temu bước vào thị trường thương mại điện tử Philippines, thị trường đầu tiên ở Đông Nam Á của nền tảng này. Phản ứng của người tiêu dùng, nhà bán hàng (merchant) trên sàn điện tử và doanh nghiệp Philippines lúc đó và bây giờ như thế nào khi mà Temu giảm giá đến 90%, thưa ông?

- Tiến sĩ Erwin Guile Dizon: Các ứng dụng thương mại điện tử trực tuyến chiếm ưu thế tại Philippines là Shopee, Lazada và Shein. Mặc dù không có nghiên cứu thị trường rõ ràng nào được thực hiện để so sánh ba ứng dụng này với nhau, nhưng Google Play xếp Shopee là ứng dụng mua sắm số một tại Philippines. Tiếp theo là Lazada và Shein. Tôi nghĩ rằng mọi người và chính Temu sẽ chọn vị trí thứ tư, bởi Temu mới gia nhập thị trường Philippines vào năm ngoái.

Tôi tin rằng người tiêu dùng Philippines là những người hưởng lợi nhiều nhất khi Temu gia nhập thị trường. Lý do đơn giản là có thêm một sàn thương mại điện tử thì có nghĩa là cơ hội mua sắm được mở rộng. Temu cũng gây lo ngại, bởi cách tiếp cận của họ là giảm giá đến 90% - điều chưa từng thấy với các nền tảng hiện có.

Đối với merchant và doanh nghiệp, sự gia nhập của Temu có thể không được đón nhận tích cực như Lazada và Shopee trước đó. Không giống như hai ứng dụng thương mại điện tử trực tuyến hàng đầu này, Temu hiện không cung cấp bất kỳ cơ hội nào cho người bán và doanh nghiệp địa phương tham gia kinh doanh trên nền tảng này, mặc dù Temu đã thực hiện điều này ở Mỹ và châu Âu. Quyết định cấm người bán địa phương gia nhập của Temu hoàn toàn trái ngược với Lazada và Shopee, những nền tảng cởi mở hơn và đã trở thành một thị trường quan trọng bên cạnh các cửa hàng vật lý truyền thống.

KTSG: Tại sao Đông Nam Á chúng ta lại nên lo ngại về cơn lũ tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng dưới chuẩn? Nếu hàng sản xuất ở Trung Quốc đạt chuẩn, liệu chúng ta có nên mua hay không? Các biện pháp cần thiết để chống trả làn sóng hàng nhập từ Trung Quốc và bảo vệ nền sản xuất nội địa là gì?

- Về bản chất, mối bận tâm liên quan đến chuyện các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ nhưng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á là khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất địa phương. Do đó, làn sóng hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm sở tại. Bởi một số nhà sản xuất địa phương không có khả năng cạnh tranh cuối cùng phải sa thải công nhân và đóng cửa.

Một số chính phủ ở Đông Nam Á đã xem xét áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương. Điều chỉnh chính sách là giải pháp khả thi nhất cho vấn đề này. Việc tổ chức tẩy chay cá nhân hoặc quy mô nhỏ hoặc né tránh hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc là điều không thể, bởi hàng hóa do Trung Quốc sản xuất gắn liền rất lớn với nhu cầu hàng ngày của xã hội.

Quản lý sự gia nhập của hàng Trung Quốc nhằm ngăn chặn bất kỳ cơn lũ hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường là sự cân bằng cần thiết. Đó là việc quản lý hiệu quả hàng hóa và nhu yếu phẩm nhập từ Trung Quốc mà không gây bất lợi cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất địa phương.

KTSG: Nhưng ASEAN phải ứng xử như thế nào khi người dùng ở nhiều nước vẫn mải mê và bị cuốn theo các đợt sóng giảm giá trên các sàn Trung Quốc như Temu?

- Trong nền kinh tế thị trường, ai cũng hướng đến giá rẻ trước tiên. Nhưng khách hàng sẽ tìm kiếm các mặt hàng giá rẻ hơn, với chất lượng nhất định. Đây không phải là hiện tượng mới hình thành chỉ sau một đêm. Một sự thay đổi chính sách nhằm định hình tính khả dụng, lâu bền của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường có thể tạo ra sự thay đổi hành vi tinh tế và lâu dài trong tư duy của người tiêu dùng.

Có thể không nhất thiết là không mua hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. ASEAN vẫn có thể mua, nhưng nên tránh các sản phẩm giá rẻ mà chất lượng kém. Nếu khối lượng hàng hóa giá rẻ và kém chất lượng đó được thay thế bằng hàng hóa giá cả bình thường nhưng chất lượng tốt, ngay cả hàng nhập từ Trung Quốc, thì đó có thể là cách khả thi hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà lại hoàn toàn không gây tổn hại đến sản xuất và chế tạo trong nước.

Ricky Hồ thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-temu-khong-duoc-asean-chao-don-nhu-shopee-va-lazada/