AGM-88 HARM (High-speed Anti Radiation Missile) là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để chuyên phá hủy radar của đối phương.
Tên lửa được phát triển bởi tập đoàn quân sự Texas Instruments (TI) thay thế cho tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard ARM, và được sản xuất bởi tập đoàn Raytheon Corporation (RAYCO).
Tên lửa AGM-88 HARM bay đến mục tiêu dựa vào phát xạ điện tử kết hợp với hệ dẫn radar.
Vũ khí này có thể phát hiện, tấn công và phá hủy một ăng ten rada hoặc một trạm phát.
AGM-88 HARM được trang bị hệ thống kiểm soát HCSM cho khả năng tiêu diệt mọi loại radar trên thế giới hiện nay.
Tên lửa nặng khoảng 355kg, dài 4,1m, lắp đầu nổ phá mảnh nặng 66 kg.
AGM-88 HARM trang bị động cơ rocket cho tầm bắn 150km, tốc độ bay 2.280 km/h.
Lô tên lửa AGM-88 HARM được sản xuất loạt đầu tiên vào tháng 3/1983 và triển khai vào biên chế quân đội Mỹ cuối năm 1985.
Lần đầu tiên loại tên lửa này được sử dụng là để tấn công vị trí đặt tên lửa phòng không SA-5 của Libya vào tháng 3/1986.
Tiếp đến tên lửa AGM-88 HARM được Hải quân và Không quân Mỹ sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Được biết, biến thể nâng cấp của tên lửa này được không quân Mỹ tiến hành phóng thử nghiệm thành công biến thể nâng cấp vào năm 2014.
Đây là một phần trong chương trình nâng cấp tên lửa chống radar AGM-88 với hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM của Không quân Mỹ.
Điều này nhằm nâng cao khả năng chính xác và giảm thiệt hại phụ trong quá trình sử dụng loại tên lửa chống radar này.
Biến thể mới được trang bị dẫn đường tự động bao gồm hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU.
Điều này giúp gia tăng khả năng tấn công chính xác mục tiêu, chịu được tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu.
Với những uy lực trên, tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 là một trong những vũ khí quan trọng của không quân Mỹ trên chiến trường.
AGM-88 sẽ giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của máy bay Mỹ.
Mỹ từng chế áp các thế trận phòng thủ của đối phương bằng AGM-88 ở Libya, Iraq và Nam Tư.
Với việc được trang bị một bộ dò tìm tín hiệu radar bao phủ hàng loạt tần số, AGM-88 có thể tiếp tục lưu thông tin của bộ phát radar ngay cả khi đối thủ đã tắt radar đi, giúp việc chế áp phòng không trở nên hiệu quả hơn.
Tên lửa chống radar không phải là một loại vũ khí có khả năng công phá quá uy lực, tuy nhiên nếu được triển khai hợp lý, nó có thể trở nên rất hữu dụng.
Nếu AGM-88 được phóng đi trước khi một cuộc không kích, nó có thể phá hủy, vô hiệu phòng không đối thủ, mở đường cho các tiêm kích đồng đội tiến vào chiến trường.
Mặt khác, tên lửa chống radar có thể được xem là một vũ khí tâm lý chiến. Các tên lửa này có thể không vô hiệu hoàn toàn mạng lưới radar đối thủ.
Nhưng sẽ khiến cho bên vận hành của đối phương trở nên lo ngại và sẽ chỉ kích hoạt có chọn lọc radar, dẫn tới hiệu quả tác chiến giảm sút.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt bán loạt tên lửa đối không, diệt radar trị giá 619 triệu USD để lực lượng phòng vệ đảo Đài Loan trang bị cho tiêm kích.
Được biết Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm 1/3 thông báo lô tên lửa bao gồm 100 tên lửa AGM-88 và 200 tên lửa AIM-120 sẽ được Washington bán cho Đài Bắc.
DSCA khẳng định thương vụ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực và lực lượng phòng vệ đảo Đài Loan sẽ không gặp khó khăn nào trong biên chế những khí tài được cung cấp.
Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ.
Tuy vậy động thái mới nhất của Mỹ có thể gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ và tuyên bố sẽ thu hồi ngay cả bằng vũ lực.