Vì sao Thủ tướng công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc?
Chiều ngày 1/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù quyết định công bố dịch trên toàn quốc được ban hành ngày hôm nay (1/4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách về dịch với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1/2020.
Phó Thủ tướng cho biết, đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngày 23/1, trước tết âm lịch khi có ca nhiễm bệnh đầu tiên ở TP HCM, Việt Nam thực sự bắt đầu chống dịch và đến thời điểm này đã bước sang giai đoạn 3. Trên thực tế rất nhiều địa phương chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và người dân đã tham gia chống dịch với một tinh thần là toàn dân chống dịch, cả hệ thống chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất là làm tăng thêm tnh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên cả nước.
Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.
Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh trên cả nước có nghĩa là tất cả các lực lượng tham gia chống dịch trên cả nước của ngành y tế, của Bộ Quốc phòng của các lực lượng khác thì được hưởng chế độ chính sách tham gia phòng chống dịch từ ngày 28/1/2020. Đây là sự động viên khích lệ của Thủ tướng Chính phủ cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành các cấp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến chiều ngày 1/4, Việt Nam có tổng số 212 ca dương tính (bao gồm 16 ca giai đoạn 1), trong đó 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 2 lần trở lên. Như vậy hiện còn 149 ca bệnh COVID-19 trong đó 54 ca đã âm tính 1 lần. 4 ca bệnh nặng đã có 3 ca không cần thở máy, 1 ca chuẩn bị chuyển từ ECMO sang thở máy, chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện và đã giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung dập ngay từ sớm. Đặc biệt là đối với các chuyến bay có người sau đó được phát hiện là nhiễm bệnh.
“Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng”, ông Long nói.
Về điều trị, hiện nay cả thế giới chưa có thuốc đặc trị, phác đồ điều trị chuẩn. Đội ngũ thầy thuốc của Việt Nam cũng đang ngày đêm tìm tòi, thử nghiệm với tinh thần tất cả vì sức khỏe người bệnh, kết hợp kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế và sự sáng tạo của Việt Nam để có các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia vùng lãnh thổ có trên 200 ca nhiễm bệnh (Việt Nam đứng thứ 88 về số ca nhiễm bệnh) chưa có bệnh nhân tử vong.
Về xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay có 2 nhánh xét nghiệm. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).
Trong nhánh thứ hai này, có loại xét nghiệm nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Tại Việt Nam hiện đã nhập khẩu sản phẩm test này từ Hàn Quốc. Test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác).