Vì sao thực hiện chỉ định lãnh đạo tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập?
Bộ Chính trị đã có chỉ đạo trong lần sắp xếp này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan HĐND, UBND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp; những năm sau, sẽ thực hiện bầu như thông lệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy trả lời tại họp báo. Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN.
Chiều 4/5, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về việc khi sáp nhập tỉnh sẽ không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm. Vậy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ sẽ giám sát việc này như thế nào để việc chỉ định nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh đảm bảo công tâm, khách quan, chọn đúng người, đúng việc?
"Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép chỉ định nhân sự không là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh. Điều này liệu có phá vỡ nguyên tắc trong công tác bầu cử hiện nay hay không bởi theo quy định hiện hành, các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh đều phải bầu từ các đại biểu HĐND cấp tỉnh?," các cơ quan báo chí đặt câu hỏi trong cuộc họp báo.
Trả lời về vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết đây là nội dung được xem xét và được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận.
Cụ thể, tại Kết luận 150, Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc cho phép chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.
"Đây là cơ chế trước đây chưa thực hiện, nhưng lần sắp xếp này có đặc điểm khác biệt so với việc sắp xếp đơn vị hành chính trước đây," đại diện Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chỉ ra.
Bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, ngoài việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, đợt sắp xếp này còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện. Vì thế, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm nhập tỉnh, nhập xã.
Để đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ công chức đang công tác ở cấp huyện làm việc ở các cơ quan, đơn vị mới cũng như khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh Bộ Chính trị đã có chỉ đạo trong lần sắp xếp này, sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp.
Tuy vậy, việc này chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với lần thực hiện sắp xếp quy mô lớn, còn những năm sau sẽ thực hiện bầu bình thường như thông lệ, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.
Việc này cũng sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, theo lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Xem xét rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tầm 3 tháng
Cũng tại họp báo, phóng viên đề nghị thông tin thêm về việc tại Phiên họp 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về sửa luật bầu cử cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xác định ngày bầu cử.
Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc thông thường vào tháng 1, công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.
"Tuy nhiên, thời gian 4 tháng là khá dài. Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước, gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn tầm 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND lần tới tiến hành gần nhất có thể sau khi hết thúc Đại hội Đảng toàn quốc. Như thế thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự Nhà nước," bà Nguyễn Phương Thủy cho biết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng thông tin, Luật Bầu cử đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.
Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, sẽ có 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên hiện trạng (gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng).
52 địa phương khác sẽ tiến hành sáp nhập để còn lại 23 tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sau sắp xếp giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương 66,91%).
Về số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã (bao gồm khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền), dự kiến sau sắp xếp, cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022.
Cấp xã (xã, phường, đặc khu) sẽ giảm hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định. Ngoài ra, khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước sẽ kết thúc hoạt động.