Vì sao trẻ mầm non liên tiếp bị bạo hành?
Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ mầm non thời gian qua, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các địa phương xác minh, làm rõ.
Cụ thể, tại nhóm lớp mầm non Thu Sương (khu phố An Bình, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), giáo viên có hành vi bạo lực, liên tục nhồi nhét thức ăn khiến trẻ la khóc, nôn trớ. Tương tự, tại Trường Mầm non Công ty may Đáp Cầu (phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh), giáo viên kéo trẻ vào góc khuất camera, tát liên tiếp vào mặt và túm một chân bế xốc ngược trẻ lên.
Qua theo dõi công tác kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc tại địa phương, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị, Sở Y tế Bắc Ninh và Bến Tre phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ, can thiệp cho trẻ bị bạo lực theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm quyền trẻ em; xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm trễ trong xử lý vụ việc (nếu có); đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại. Kết quả xác minh phải báo cáo về Cục trước ngày 25/4.
Bạo hành trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Phần lớn các vụ việc bị phát hiện xảy ra tại các cơ sở mầm non tư thục, lớp trông trẻ tự phát trong khu dân cư hoặc khu công nghiệp có đông công nhân thu nhập thấp. Hồi chuông cảnh báo về tình trạng này, cũng như yêu cầu nâng cao nhận thức, kỹ năng của bảo mẫu đã được gióng lên từ lâu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục triệt để.
Các phân tích cho thấy, tốc độ gia tăng dân số cơ học tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới ngày càng nhanh, kéo theo nhu cầu gửi trẻ tăng cao. Nhiều trường, lớp tư thục mọc lên ồ ạt, nhưng việc tuyển chọn giáo viên lại thiếu kiểm soát. Trong khi đó, công tác quản lý ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Hiện nay, việc cấp phép và kiểm tra nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập ngoài công lập do chính quyền xã, phường, thị trấn đảm nhiệm. Tuy nhiên, không phải cán bộ cơ sở nào cũng có chuyên môn để thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các lớp, nhóm trẻ. Một số nơi còn bộc lộ sự thiếu trách nhiệm trong công tác này.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia giáo dục trẻ mầm non. Theo ông có 2 yếu tố tiên quyết, thứ nhất phải có lòng yêu mến trẻ, thứ hai phải được đào tạo bài bản chứ không thể tay ngang.
Trước đó, khi có ý kiến cho rằng giáo viên mầm non lương thấp, hàng ngày phải chăm sóc hàng chục trẻ quấy khóc, khi về lại còn gia đình, con cái, rất nhiều áp lực nên dễ nảy sinh tâm trạng tiêu cực. Ông Nhĩ cho rằng, bất cứ nghề nào cũng có áp lực, việc lựa chọn là sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Trông giữ trẻ cũng vậy, nếu làm thì giáo viên phải xem bản thân có đủ yêu mến trẻ không, thực sự yêu thì hãy quyết định. Khi đã quyết định, giáo viên phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, để có phương pháp giáo dục đúng đắn, không thể lấy lý do vì áp lực. Ngoài ra, đôi khi áp lực đến từ chính các cơ sở và giáo viên trông giữ trẻ. Đơn cử, như một người chỉ được giữ 3 - 5 trẻ thì phải thực hiện đúng như vậy, nhưng vì lợi nhuận mà một số trường hợp cơ sở trông giữ trẻ tư nhân bao nhiêu trẻ cũng nhận, áp lực sinh ra cũng là từ đó.
Theo các chuyên gia, bạo hành trẻ mầm non là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và thể chất. Dù hệ thống giáo dục mầm non hướng đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, nhưng môi trường này không phải lúc nào cũng an toàn. Các dấu hiệu bạo hành thường tinh vi, dễ bị bỏ qua nếu không chú ý. Việc nhận diện sớm là cần thiết để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của trẻ.
Sau mỗi một vụ việc xảy ra, cơ quan quản lý đều yêu cầu rà soát, siết chặt công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Song để giải quyết tận gốc của vấn đề, bên cạnh đạo đức nghề nghiệp của chủ cơ sở trông giữ trẻ và bảo mẫu, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngành giáo dục, ngành y tế cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra. Cơ sở nào đủ các điều kiện thì cấp phép cho hoạt động tiếp, ngược lại với những cơ sở không đáp ứng, nên đình chỉ và rút giấy phép ngay lập tức.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-tre-mam-non-lien-tiep-bi-bao-hanh-10304316.html