Điểm nhấn giáo dục để TP Hồ Chí Minh vươn tầm hội nhập

Là địa phương tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, điểm nhấn nổi bật nhất của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh những năm qua là môn tiếng Anh với thống kê gần chục năm liền dẫn đầu cả nước ở điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Cách đây ít lâu, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91 định hướng về hệ thống giáo dục cả nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của đào tạo tiếng Anh ở chương trình giáo dục phổ thông với định hướng đây là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học (sau tiếng Việt).

Điều may mắn, từ trước đó, TP Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đặc biệt tới môn học tiếng Anh, coi đây không chỉ là môn học thông thường mà còn là nền tảng, mở ra rất nhiều cơ hội học tập, làm việc, sinh sống cho học sinh sau này. Kết quả thu được cho thấy, ngoài các giải thưởng ở những cuộc thi tầm quốc gia, quốc tế thì phổ điểm trung bình của môn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia của TP Hồ Chí Minh luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước (8 năm liên tiếp gần đây). Trong đó điểm thi tiếng Anh của học sinh TP Hồ Chí Minh luôn cao hơn điểm trung bình chung khoảng 1 điểm (thang điểm 10). Thậm chí có năm học, sự chênh lệch này lên tới 1,42 điểm, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Điều này phần nào phản ánh chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh cũng như định hướng về giáo dục tiếng Anh, một mũi nhọn giúp cho giáo dục TP Hồ Chí Minh có thể vươn tầm, trở thành địa phương có chất lượng giáo dục tốt nhất.

TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh từ bậc tiểu học. (ảnh Đ.Xá).

TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh từ bậc tiểu học. (ảnh Đ.Xá).

Tuy nhiên, kết quả đáng tự hào nêu trên không tới ngay lập tức mà trước thời điểm hiện nay gần 30 năm, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi đặt nền móng cho sự nghiệp "trồng người" này.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, từ năm học 1998-1999, TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm chương trình tăng cường tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 và áp dụng đầu tiên tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1) với gần 100 học sinh. Chương trình thí điểm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiếp cận, học tiếng Anh của học sinh ngay từ bậc tiểu học mà quy mô phát triển của chương trình này từ đó đến nay đã đào tạo cho học sinh năng lực ngoại ngữ và trau dồi các kỹ năng nghe nói đọc viết theo chuẩn quốc tế. Ngay thời điểm đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã đánh giá đây là chương trình hay và đi trước thời đại bởi sau đó đến năm 2010, Bộ GD&ĐT mới triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3. Sau gần 30 năm, chất lượng đào tạo tiếng Anh nói riêng và đào tạo các môn học thông thường bằng tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh đã là điểm sáng, được nhiều địa phương khác học hỏi.

Sau đó, trong hơn 10 năm gần đây, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và Việt Nam" (gọi tắt là tiếng Anh tích hợp). Đây là chương trình được biên soạn tích hợp chương trình phổ thông của Vương quốc Anh với chương trình phổ thông của Việt Nam cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh. Học sinh học các môn tiếng Anh và toán, khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Điều này góp phần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh tương đương với nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ghi nhận thực tế hiện nay có khoảng 30.000 học sinh tham gia chương trình đào tạo theo hình thức này với sự hài lòng rất lớn từ phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Việt, 36 tuổi một phụ huynh ngụ tại quận 12 cho biết cả hai người con của anh (đang học lớp 3 và lớp 6) đều tham gia chương trình học tiếng Anh tích hợp. Theo anh Việt, dù chi phí có cao hơn thông thường nhưng học tiếng Anh tích hợp giúp trẻ không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn nắm rõ các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Đây là nền tảng vững chắc mà sau này trẻ lớn lên có thể đi du học hay làm việc, sinh sống trong môi trường nước ngoài hay các công ty nước ngoài sử dụng tiếng Anh.

Học sinh ở TP Hồ Chí Minh được học tiếng Anh với người nước ngoài rất nhiều. (ảnh Q.T).

Học sinh ở TP Hồ Chí Minh được học tiếng Anh với người nước ngoài rất nhiều. (ảnh Q.T).

TP Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị kinh tế xã hội của khu vực phía Nam, với đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, thích ứng ngày càng cao của nền công nghệ thế giới. Và nền móng cho nguồn nhân lực này đến từ những "viên gạch" là giáo dục bậc phổ thông với tiếng Anh là môn học được trú trọng. Thời gian tới, với định hướng tiếp tục là trung tâm của khu vực và đất nước, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục các chương trình đào tạo để hướng tới mục tiêu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thì những kết quả thời gian qua cho thấy TP Hồ Chí Minh có cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hiện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đang xây dựng dự thảo tiêu chí và dự kiến triển khai thí điểm từ năm học 2025-2026 tới.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nêu ra 4 giải pháp cụ thể để TP Hồ Chí Minh từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đầu tiên là xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Thứ hai là trường học đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh. Thứ ba là các đơn vị nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cuối cùng, ngành GD&ĐT tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thực hiện thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Có thể nói, đúng như tinh thần chỉ đạo trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, tiếng Anh thời gian tới không chỉ là một môn học hay ngoại ngữ thông thường mà còn là "cánh cửa" mở ra rất nhiều kỳ vọng về hội nhập thế giới. Đặc biệt hơn, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Anh chắc chắn sẽ mang tới rất nhiều lợi ích to lớn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nêu 4 giải pháp để biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. (ảnh A.T).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nêu 4 giải pháp để biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. (ảnh A.T).

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/diem-nhan-giao-duc-de-tp-ho-chi-minh-vuon-tam-hoi-nhap-10304348.html