Vì sao Trường Đại học Kinh tế quốc dân bỏ xét tuyển bằng học bạ?
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân loại bỏ việc tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên từ năm 2024.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, trong năm học này, nhà trường cơ bản vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh giống như năm 2023 với 6200 chỉ tiêu ở 03 phương thức xét tuyển.
Điểm mới nhất trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là loại bỏ việc tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên. Trong khi đó, ở những năm học trước, nhóm đối tượng này chiếm khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2024, nhà trường không xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa điểm trung bình học bạ 3 năm học (lớp 10, 11, 12) của bậc trung học phổ thông với điểm 02 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia.
Nói về lý do đối với sự thay đổi này, thầy Bùi Đức Triệu cho hay, từ thực tế tuyển sinh trong những năm gần đây cho thấy, nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp trên có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện ở phương thức xét tuyển khác (như xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực…).
Điều này dẫn đến tỷ lệ trùng lặp của nhóm thí sinh là học sinh chuyên xét tuyển học bạ với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo cũng tăng mạnh. Vì thế, việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà ít gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
“Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có chủ trương mở rộng việc sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… để tuyển sinh và giảm sự phụ thuộc vào kết quả học tập cũng như kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu như năm 2023, trường chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã tuyển sinh thì sang năm 2024, trường sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh nhằm tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho các thí sinh.
Vì thế, trường quyết định bỏ xét tuyển nhóm thí sinh có sử dụng học bạ”, Phó Giáo sư Bùi Đức Triệu lý giải.
Đối với vấn đề xét tuyển bằng học bạ được nhiều trường đại học áp dụng, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nêu quan điểm: “Trong những năm gần đây, khi phân tích về điểm xét tuyển vào đại học của phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy, học sinh xét tuyển bằng học bạ thường có ưu thế hơn.
Như vậy, rõ ràng là độ tin cậy của phương thức xét điểm học bạ hiện nay đang bị sụt giảm, không phản ánh đúng thực chất năng lực của học sinh”.
Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng cho rằng, việc các trường đại học có xu thế loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ sẽ giảm tải số lượng công việc trong phương thức xét tuyển đại học; đồng thời, loại bỏ đi những thí sinh chưa đạt yêu cầu.
“Với những trường đại học lớn, uy tín theo sự đánh giá của xã hội, việc loại bỏ những phương thức xét tuyển không đảm bảo về mặt chất lượng này là điều hoàn toàn hợp lý, cần được làm chặt hơn nữa” – ông Phương cho hay.
Không ủng hộ việc xét tuyển học bạ, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, khi các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng “mua điểm”. Điều này dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
“Hơn nữa, hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh.
Vì thế, theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Phương thức xét tuyển kết hợp năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân này được chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, gồm 50% chỉ tiêu dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi SAT hoặc ACT; thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực (HAS) của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc (APT) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội; hoặc thí sinh kết hợp điểm chứng chỉ tiếng Anh với một trong ba loại điểm thi nêu trên.
Điều kiện nhận hồ sơ của nhóm này là khi thí sinh có và đạt mức điểm của một trong các chứng chỉ/điểm thi sau: Điểm SAT từ 1.200 điểm trở lên; ACT từ 26 điểm trở lên; điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 85 điểm trở lên; điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ 700 điểm trở lên, điểm thi đánh giá tư duy từ 60 điểm trở lên;
Hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 W150) trở lên kết hợp với điểm thi đánh giá tư duy, năng lực nêu trên.
Nhóm 2, gồm 50% chỉ tiêu dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Điều kiện nhận hồ sơ của nhóm 2 là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1-6-2024 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của môn toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của nhà trường.