Vì sao vẫn giữ thanh tra Công an, Quân đội và Ngân hàng Nhà nước?

Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc vẫn giữ tổ chức thanh tra trong ngành Công an, Quân đội và Ngân hàng Nhà nước là nhằm phù hợp tính đặc thù mô hình tổ chức ngành dọc của các ngành này.

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong đã có phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó nêu rõ lý do tiếp tục quy định tổ chức thanh tra trong Công an Nhân dân (CAND), Quốc phòng Nhân dân (QĐND) và Ngân hàng nhà nước.

Theo ông Phong, việc này căn cứ 3 lý do chủ yếu, gồm: kết luận 134 của Bộ Chính trị; quy định Luật Thanh tra năm 2022 và nhằm phù hợp với tính đặc thù mô hình tổ chức ngành dọc của ngành công an, quân đội và Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, theo Kết luận 134 của Bộ Chính trị, các cơ quan không còn thanh tra thì thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Để thể chế hóa chủ trương này, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật; đồng thời giao Chính phủ quy định về hoạt động kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng TTCP cho biết, tại dự thảo luật đã có những quy định nhằm xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước. Trong đó quy định rõ "khi tiến hành hoạt động thanh tra, Kiểm toán Nhà nước nếu phát hiện chồng chéo, trùng lắp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước để xử lý, đảm bảo một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan Kiểm toán Nhà nước".

Dự thảo luật không quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành, do đây là các hoạt động có sự hoạt động khác nhau về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành.

Về tiến hành thanh tra, đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định "ngày làm việc" trong dự thảo luật mà chỉ quy định là "ngày". TTCP tiếp thu quy định là "ngày" như Luật Thanh tra năm 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Ý kiến của đại biểu về kế hoạch thanh tra hằng năm của thanh tra tỉnh phải báo cáo xin ý kiến TTCP để xử lý chồng chéo trong các cơ quan thanh tra.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ chỉnh sửa theo hướng hàng năm, TTCP gửi kế hoạch thanh tra cho thanh tra tỉnh để thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra không chồng chéo với kế hoạch thanh tra của TTCP.

Về kinh phí trích cho các cơ quan thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Phong cũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu đề nghị không quy định "ngày làm việc" trong dự thảo luật mà chỉ quy định là "ngày", nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-van-giu-thanh-tra-cong-an-quan-doi-va-ngan-hang-nha-nuoc-169250522155354584.htm