Với tổng chiều dài hơn 20.000 km, Vạn Lý Trường Thành là công trình nổi tiếng Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Trong những năm qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về Vạn Lý Trường Thành và có các khám phá quan trọng.
Trong số này, các chuyên gia đã phát hiện phần còn lại của hơn 130 cánh cửa bí mật nằm rải rác trên Vạn Lý Trường Thành.
Thông qua các nghiên cứu, phân tích những lối đi bí mật trên Vạn Lý Trường Thành, nhóm chuyên gia nhận thấy mỗi cánh cửa được thiết kế để tương thích với địa hình của từng địa phương.
Theo các chuyên gia, những lối đi bí mật này được các triều đại phong kiến ở Trung Quốc xây dựng với mục đích để cho những người làm nhiệm vụ do thám đi qua.
Ngoài ra, một số lối đi bí mật trên Vạn Lý Trường Thành được xây dựng như những kênh liên lạc giữa bên trong và bên ngoài Vạn Lý Trường Thành hoặc để giao thương buôn bán trong thời cổ đại.
Các chuyên gia đã tìm thấy một số tài liệu lịch sử có niên đại vào thời nhà Minh (1368 - 1644) ghi chép về việc các bộ lạc du mục được phép sử dụng những lối đi bí mật trên Vạn Lý Trường Thành để chăn thả gia súc giữa Thanh Hải và Hetao - khu vực có nguồn nước và cỏ dồi dào ở phía tây bắc Trung Quốc.
Giáo sư Zhang Yukun thuộc Đại học Thiên Tân và là trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, một số lối đi bí mật trên Vạn Lý Trường Thành có kích thước khá lớn, có thể cho phép hai con ngựa đi qua cùng lúc theo cả hai hướng.
Mặt của lối đi bí mật trên Vạn Lý Trường Thành về phía kẻ địch được ngụy trang bằng gạch. Trong khi đó, mặt còn lại của bức tường thành được để rỗng.
Do đó, kẻ thù gần như không thể xác định được vị trí của những lối đi bí mật. Điều này phần nào thể hiện trí tuệ và mưu kế tuyệt vời của người Trung Quốc thời phong kiến.
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.
Tâm Anh (theo Xinhuanet)