Vì sao VEC cần tăng vốn điều lệ lên hơn 38.000 tỷ đồng?
Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC là cần thiết và cấp bách giúp VEC có khả năng tiếp cận các nguồn vốn, điều kiện để đầu tư các dự án mở rộng và các dự án mới.
Liên quan đến đề xuất tăng vốn bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, giai đoạn 3 năm (2021, 2022, 2023), tổng doanh thu của đơn vị hơn 20.556 tỷ đồng.
![Thời gian qua, vốn điều lệ thấp tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng và định chế tài chính của VEC (Ảnh: Cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_30_51442308/f90a0c8c38c2d19c88d3.jpg)
Thời gian qua, vốn điều lệ thấp tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng và định chế tài chính của VEC (Ảnh: Cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư).
Trong đó, doanh thu thuần đạt hơn 12.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 5.300 tỷ đồng, doanh thu khác đạt hơn 3.251 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.469 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ và cấu trúc tài chính của VEC chuyển biến tích cực với xếp loại doanh nghiệp 3 năm 2021, 2022, 2023 đạt loại A.
Tuy nhiên, theo VEC, hiện tại, vốn điều lệ Công ty mẹ - VEC rất thấp, chỉ 1.115 tỷ đồng so với quy mô đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng.
Do đó, VEC gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt đối với nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn thấp như nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Cũng theo VEC, với vai trò đại diện Nhà nước làm chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, bước đầu VEC đã hoàn thành mục tiêu phục vụ chiến lược phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia thông qua việc huy động được khoảng 108.865 tỷ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 540km.
Các tuyến đường bộ cao tốc do VEC đầu tư, đưa vào khai thác đã phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mặt khác, với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác sử dụng 490 km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc chiếm khoảng 27% tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc tại Việt Nam hiện nay.
"Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC là cần thiết và cấp bách, thực hiện đúng chủ trương/nhiệm vụ được giao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Đây cũng là cơ sở, động lực giúp VEC có khả năng tiếp cận các nguồn vốn, điều kiện để đầu tư các dự án mở rộng và các dự án mới, góp phần mang lại động lực thúc đẩy sự phát triển cho các địa phương có dự án đi qua, giúp VEC phát triển theo chiều sâu, mang lại những sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng", VEC khẳng định.
Trên cơ sở phân tích, VEC kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024-2026 là 38.251 tỷ đồng.
Số vốn này bao gồm: 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân).
Trước đó, tháng 1/2025, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã ký gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV về chủ trương bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC.
Chiều 10/2/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về vấn đề này.