Vì sao Việt Nam cần thêm tới 700.000 nhân sự an ninh mạng?
Lý giải về dự báo nhu cầu 700.000 nhân sự an ninh mạng giai đoạn tới, đại diện NCA cho rằng: Phần lớn hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức sẽ diễn ra trên không gian mạng, nên cần một lực lượng lớn nhân sự để đảm bảo an ninh.
Một quan điểm chỉ đạo đã được nêu rõ tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số thời gian qua, công tác phát triển đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh mạng cũng đã được quan tâm, hướng tới mục tiêu tạo lập niềm tin số và bảo vệ sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Tại các sự kiện gần đây, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – NCA đã công bố con số 700.000 nhân sự an ninh mạng thiếu hụt, cần được bổ sung cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, con số này đã khiến nhiều người bất ngờ và băn khoăn rằng liệu rằng Việt Nam chúng ta có thực sự cần có thêm nhiều nhân sự an ninh mạng đến thế hay không?
Giải đáp mối băn khoăn nêu trên, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của NCA đã viện dẫn một số căn cứ khẳng định rằng Việt Nam thực sự cần nhanh chóng bổ sung sự thiếu hụt 700.000 nhân lực an ninh mạng, góp phần để Việt Nam có thể sử dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đưa đất nước phát triển đột phá.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc an ninh mạng vào năm 2030, Việt Nam cần có một đội ngũ nhân lực an ninh mạng đông đảo và có chất lượng chuyên môn cao.
Cụ thể, theo báo cáo khảo sát mức độ trưởng thành về khả năng ứng phó sự cố an ninh mạng được Cisco đưa ra vào trung tuần tháng 5/2025, có tới 95% đối tượng tham gia khảo sát xác định tình trạng thiếu hụt chuyên gia an ninh mạng là một thách thức lớn, với 42% cho biết họ đang cần tuyển dụng hơn 10 vị trí chuyên môn an ninh mạng.
Khảo sát được NCA thực hiện hồi tháng 12/2024 với 4.935 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy, có tới hơn 20,06% đơn vị cho biết hiện chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng, 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách. Đây là con số rất nhỏ so với yêu cầu thực tế hiện nay; bởi lẽ, để đảm bảo an ninh mạng, theo mô hình giám sát an ninh mạng tập trung SOC 24/7 với 3 ca 4 kíp, mỗi tổ chức cần tối thiểu từ 8 đến 10 vị trí chuyên trách an ninh mạng.
Hơn thế, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á; hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới.
Với mục tiêu trên, Việt Nam cần thiết có một đội ngũ nhân lực an ninh mạng đông đảo và có chất lượng chuyên môn cao. “Việt Nam hướng tới dùng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đưa đất nước vươn mình. Phần lớn hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức sẽ diễn ra trên không gian mạng, và vì vậy sẽ cần một lực lượng lớn nhân sự để đảm bảo an ninh trên không gian mạng”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù công tác đào tạo nhân lực an ninh mạng đã được các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn; song với xu hướng công nghệ và đặc biệt là an ninh, bảo mật diễn ra rất nhanh, nóng hiện nay, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, có kĩ năng cao, để sẵn sàng ứng phó được với các mối đe dọa mối không ngừng tinh vi, phức tạp hơn.
Đưa ra bình luận trực tiếp về con số thiếu hụt 700.000 nhân sự an ninh mạng được NCA dự báo, ông Nguyễn Gia Đức nhận xét: Thiếu hụt nhân sự an ninh mạng, đặc biệt là nhân sự chuyên môn cao vẫn là một vấn đề lớn và hiện còn đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, được đầu tư xây dựng chiến lược an toàn thông tin, an ninh mạng toàn diện và dài hạn, vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp không có đội ngũ bảo mật chuyên biệt, mà vẫn là kiêm nhiệm đến từ các vị trí khác như kỹ sư hệ thống, kỹ sư mạng…
“Thực trạng trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, bảo mật thông tin. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, để bù đắp cho số lượng thiếu hụt hiện nay”, ông Nguyễn Gia Đức nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực an ninh mạng, trong khuôn khổ sự kiện Security Summit 2025 diễn ra trung tuần tháng 5 tại TPHCM, NCA đã đề xuất các giải pháp như: Đổi mới đào tạo để nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên, đặc biệt sử dụng các nền tảng công nghệ cao như Cyber Range để thực hành thực chiến; ứng dụng mạnh mẽ AI, nhất là AI Agent để thay thế phải sử dụng con người trong đảm bảo an ninh mạng; cần có cơ chế khuyến khích hợp tác nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để thu hút nhân tài.
“Các giải pháp này sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt nhân sự, góp phần xây dựng một ngành công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của xã hội, xây dựng niềm tin số cho quá trình triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chúng ta chỉ có thể có niềm tin số nếu đảm bảo được an ninh mạng. Tôi lấy ví dụ trong 1 đội bóng, có thể có nhiều cầu thủ tấn công giỏi, nhưng phân nửa đội bóng phải có trách nhiệm phòng thủ, và nhân sự an ninh mạng sẽ đóng vai trò phòng thủ để các lĩnh vực khác tấn công”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn chia sẻ thêm.