Vì sao VN-Index 'thích' đi ngược thế giới?
Gần đây nhiều phiên thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh thậm chí lập kỷ lục thì chứng khoán Việt Nam lại phản ứng ngược chiều, bán tháo và giảm điểm.
Chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng đồng pha với thị trường chứng khoán Mỹ tuy nhiên đó là diễn biến xảy ra trong quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, nhiều phiên thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh thậm chí lập kỷ lục thì chứng khoán Việt Nam lại phản ứng ngược chiều, bán tháo và giảm điểm.
Phiên giao dịch ngày thứ 3 (16/7) là một ví dụ điển hình. Chỉ số Dow Jones thiết lập kỷ lục mới. Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 742,76 điểm, tương đương tăng 1,85%, chốt ở mức 40.954,48 điểm. Thước đo gồm 30 cổ phiếu blue-chip này lập cả kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa trong phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2023.
Tại Việt Nam, Vn-Index mở cửa đối diện áp lực bán ra ồ ạt của nhà đầu tư trong nước. Kết thúc phiên sáng, chỉ số giảm gần 1,5 điểm với 287 mã giảm điểm. Trong đó, ngoại trừ ngân hàng tăng 1,10% hầu hết các nhóm vốn hóa lớn còn lại giảm điểm.
Giải thích nguyên nhân VN-Index đi ngược lại với diễn biến tích cực của Dow Jones nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích và nghiên cứu khách hàng cá nhân của chứng khoán Yuanta cho rằng chủ yếu do 2 yếu tố chính.
Thứ nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số Vn-Index là ngân hàng và bất động sản. Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào chỉ số trong khi đó nhóm ngày chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, thậm chí kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua còn cắm đầu, hầu như doanh nghiệp nào cũng lỗ khiến dòng tiền né không vào bất động sản. Một số Luật sửa đổi mới hiện tại vẫn đang triển khai nhưng cũng cần thời gian để phản ánh vào thị trường. Do đó, phải ít nhất đến năm sau bức tranh kinh doanh tốt hơn, nên hiện tại tiền không vào bất động sản, nhóm này xuống thì ảnh hưởng VN-Index.
Thứ hai, khối ngoại bán tháo cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Các quỹ nước ngoài nắm giữ phần lớn cổ phiếu trong danh mục là bất động sản và ngân hàng nên hiệu suất không cao. Trong khi giới đầu tư toàn cầu fomo vào nhóm công nghệ thì ngược lại, cổ phiếu công nghệ của Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta có rất ít cổ phiếu công nghệ ngoại trừ một vài mã quen thuộc như FPT, CMG... Các thị trường Mỹ hay Châu Á như Hàn Quốc Đài Loan, Ấn Độ cũng có nhiều cổ phiếu công nghệ để lựa chọn. Dòng tiền bán tháo khỏi Việt Nam để đi tìm các quốc gia có nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, mức tăng trưởng cao, hiệu quả đầu tư tốt.
Nhà đầu tư nước ngoài tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại đã bán ròng gần 61.000 tỷ đồng. Họ bán liên tiếp 7 tháng giá trị kỷ lục chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng, hạn chế giao dịch mua bán sau thời gian tăng mạnh vừa qua.
"Thị trường đang rất cần dòng dẫn dắt chính nhưng không có nên nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Nếu có thì ở bên trong thị trường chủ yếu mua bán cổ phiếu penny, UPCoM, cổ phiếu không có thanh khoản, những cổ phiếu này đặc điểm là chỉ tăng được một vài phiên nhanh chóng rồi kéo nhau đổ sàn. Dòng tiền quanh quẩn, mua vào bán ra bán bỏ chạy lại đi tìm nhóm khác nhưng những nhóm này không ảnh hưởng gì đến Index nên vẫn cần ngân hàng hoặc chứng khoán hoặc cả hai nhóm này để kéo lên", ông Minh nói.
Tính đến phiên hôm nay, nhóm bất động sản tính chung đã về đáy của tháng 4, thậm chí nhiều cổ phiếu thủng đáy, như NVL đã quay lại vùng đáy của năm 2023. Nhóm bất động sản càng giảm nhà đầu tư lại càng mang ra bán nên 2-3 phiên trở lại, Vn-Index giảm phẩn lớn do nhóm bất động sản.
Tuy nhiên, điểm tích cực là khối ngoại đang giảm bán dần, phiên giao dịch hôm qua chỉ còn bán nhẹ 251 tỷ đồng. Thậm chí sáng nay xuất hiện một vài lực mua lớn. Để khối ngoại chính thức giảm bán và quay đầu mua cũng phải chờ đến tháng 9, khi tình hình tỷ giá giảm mạnh.
Nhận định về nhóm ngân hàng, theo ông Minh, định giá P/B nhóm ngân hàng hiện đang xoay quanh 1,2x nên đây được xem là vùng giá rẻ thậm chí nhiều ngân hàng P/B về dưới 1. Dù có sự phân hóa nhưng nhóm ngân hàng cơ bản an toàn để mua, hi vọng sẽ sớm quay lại cân lực bán của bất động sản và dẫn dắt thị trường lên 1.300 điểm.
Với chứng khoán: Định giá hiện tại hợp lý không đắt không rẻ, hợp lý vì giá ổn, dowtrend không nhiều nhưng uptrend cũng không có. Thị trường chờ prefunding, việc này phải xảy ra trong tháng 7 và chậm nhất tháng 8 nên sẽ có câu chuyện để kéo cổ phiếu.
Ông Minh giữ nguyên quan điểm xu hướng hiện tại của thị trường không xấu, rủi ro nhất là Force Sell nhóm bất động sản. Đoạn này cũng chưa phải là đáng ngại, thị trường vẫn tăng nhưng trong quá trình đó có một vài rủi ro, nhà đầu tư có thể mua vào đoạn này được với một số nhóm triển vọng như ngân hàng và chứng khoán.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-vn-index-thich-di-nguoc-the-gioi.htm