Vì sao WeWork thất bại?
Công ty cung cấp không gian văn phòng WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, do số nợ và lỗ lớn, khi nhu cầu giảm. Đâu là nguyên nhân khiến WeWorkthất bại?
WeWork từng là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất tại Mỹ, với 47 tỷ USD. Công ty này đã thu hút vốn từ các nhà đầu tư như SoftBank và công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark cũng như các ngân hàng lớn trên Phố Wall như JPMorgan Chase.
WeWork ra đời năm 2010 nhằm mang đến sự thay đổi lớn đối với thị trường văn phòng bằng việc thuê dài hạn các bất động sản lớn và cho nhiều công ty nhỏ hơn thuê với các thỏa thuận linh hoạt và ngắn hạn hơn. WeWork trở thành nhân tố làm thay đổi mô hình kinh doanh vốn gắn với việc sở hữu bất động sản. Hoạt động kinh doanh của công ty được mở rộng với tốc độ chóng mặt, làm tăng doanh thu nhưng đồng thời cũng gây ra các khoản lỗ lớn.
Ông Adam Neumann cùng vợ là bà Rebekah Neumann đã hợp tác với ông Miguel McKelvey sáng lập WeWork và góp phần đưa công ty này trở thành công ty khởi nghiệp được định giá cao nhất tại Mỹ với 47 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc ông Neumann phát triển nhanh WeWork đã phải đánh đổi bằng lợi nhuận.
Ngay trước khi WeWork nộp đơn xin phá sản trong tuần này, ông Neumann nói ông tin tưởng rằng với một chiến lược và một đội nhóm phù hợp, việc tái tổ chức sẽ giúp công ty này có thể thoát khỏi khó khăn.
Người phụ trách các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Hargreaves Lansdown, Steve Clayton, cho rằng WeWork là sản phẩm của sự bùng nổ và trong những giai đoạn bùng nổ, các nhà đầu tư thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
WeWork đã dự định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khi ông Neumann là Giám đốc điều hành (CEO) vào năm 2019, khi công ty mẹ là We Company mất nhiều tháng chuẩn bị cho việc IPO. Kế hoạch này thất bại khi các nhà đầu tư quan ngại về khoản lỗ lớn của công ty và phong cách quản lý của ông Neumann cũng như về những chồng chéo trong quản trị doanh nghiệp.
Vào năm 2021, giá trị ước tính của WeWork giảm xuống chỉ còn 10 tỷ USD. Công ty này cuối cùng đã phải IPO thông qua việc sáp nhập với một công ty thâu tóm có mục đích đặc biệt vào tháng 11 năm đó.
WeWork gặp khó khăn do giá thuê cao và các khách hàng doanh nghiệp hủy hợp đồng, khi một số lượng lớn người lao động làm việc từ xa sau đại dịch.
Công ty này đã điều chỉnh hợp đồng và tái cơ cấu nợ, nhưng điều này là chưa đủ để thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Tính đến cuối tháng 6/2023, số nợ của WeWork là 3,3 tỷ USD, khi nhu cầu văn phòng giảm hậu đại dịch.
WeWork ngày 6/11 cho biết khoảng 92% số ngân hàng cấp vốn cho công ty đã đồng ý chuyển đổi nợ có đảm bảo thành cổ phiếu theo thỏa thuận hỗ trợ tái cơ cấu.
Hãng luật Cadwalader, Wickersham & Taft LLP cho biết WeWork có thể sử dụng các điều khoản theo luật phá sản của Mỹ để tránh các hợp đồng phiền toái.
Thị trường cho vay trong lĩnh vực bất động sản thương mại toàn cầu có thể bước sang năm 2024 đầy khó khăn, khi các văn phòng trống được cho là sẽ gia tăng trong những tháng tới.
Giá trị bất động sản đã giảm mạnh do nhu cầu yếu và các nhà đầu tư e dè./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-sao-wework-that-bai/314458.html