Vì sao xuất khẩu sầu riêng Việt Nam dễ dàng vượt 3,1 tỷ USD

Có thêm thị phần tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới giúp xuất khẩu sầu riêng Việt tăng trưởng mạnh trong 11 tháng qua và hiện chiếm gần 1/2 số thu từ xuất khẩu rau quả.

 Xuất khẩu sầu riêng 11 tháng năm nay của Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Xuất khẩu sầu riêng 11 tháng năm nay của Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo số liệu báo cáo nhanh của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt 3,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD. Mức tiêu thụ này cũng đã tăng 43% so với cùng kỳ ngoái.

Thái Lan là thị trường đứng thứ 2, nhập khoảng 177 triệu USD sầu riêng từ Việt Nam, tăng 82%. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu trái sầu Việt Nam lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, sầu riêng Việt xuất sang thị trường Campuchia đã tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.

Chiếm thêm thị phần tại Trung Quốc

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng và ngành rau quả nói chung.

Theo tính toán của hiệp hội này, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sầu riêng chiếm gần một nửa số thu từ xuất khẩu rau quả cả năm.

Để có mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên này chủ yếu là nhờ sầu riêng Việt đã tăng thêm thị phần tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng đều mỗi năm, nhất là khi người dân ngày càng yêu thích loại trái cây nhiệt đới này. Hiện lượng sầu riêng mà người dân Trung Quốc tiêu thụ chiếm 91% tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.

Trong khi Việt Nam liên tục mở rộng thị phần tại đất nước tỷ dân, Thái Lan - đối thủ lớn nhất của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc - lại đang gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần do giá cao hơn và các vùng trồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn sầu riêng trong 10 tháng đầu năm nay, với tổng trị giá gần 6,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc tăng hơn 10%; tổng giá trị nhập khẩu tăng hơn 4%. Điều đáng chú ý là sầu riêng Việt Nam đã chiếm khoảng 47% thị phần, chỉ đứng sau Thái Lan với 52%.

So với năm ngoái, thị phần sầu riêng nhập vào Trung Quốc của Thái Lan đã giảm 13 điểm % (từ 65%) trong khi thị phần của Việt Nam đã tăng gần 13 điểm % (từ 34,5%).

Điều này cho thấy rõ sự chuyển dịch thị phần sầu riêng từ Thái Lan sang Việt Nam tại thị trường Trung Quốc trong năm nay.

 Việt Nam đã ký thành công Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Giám.

Việt Nam đã ký thành công Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Giám.

Liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh

Trước đó, để tiếp cận thị trường tiêu thụ sầu riêng "khổng lồ" này, Việt Nam đã ký thành công Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, loại bỏ hoàn toàn việc phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch như trước.

Cùng với đó, nhiều vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đã liên tục nâng cấp nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, điển hình là các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Các giống sầu riêng như Ri6 và Monthong của Việt Nam trồng được đánh giá là thơm ngon, cơm dày, hạt lép phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng của đất nước tỷ dân.

Chính phủ và các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe của Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã liên tục phối hợp với các cơ quan quản lý Trung Quốc để đảm bảo các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch. Tính đến cuối năm 2024, đã có hàng trăm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam được phê duyệt.

Ngoài chất lượng sản phẩm và thủ tục xuất nhập khẩu thuận lợi, Việt Nam hiện còn có lợi thế hơn về chi phí vận chuyển sang thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới do khoảng cách địa lý gần. Điều này giúp giá thành sầu riêng Việt cạnh tranh hơn tại Trung Quốc.

Năng suất và diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam cũng liên tục tăng mạnh, góp phần giảm chi phí sản xuất trên mỗi tấn sản phẩm.

Việt Nam hiện có khoảng 154.000 ha diện tích trồng sầu riêng, với sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn mỗi năm, tăng trưởng trung bình 15%. Nhờ thời gian thu hoạch kéo dài quanh năm, ngành sầu riêng luôn đảm bảo nguồn cung ổn định.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện Thái Lan, Philippines đã hết sầu riêng chính vụ, vì thế đây sẽ là thời điểm cả thế giới chỉ Việt Nam còn sầu riêng thu hoạch. Từ nay kéo dài cho đến tháng 2 năm sau, Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường Trung Quốc.

“Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,2 tỷ USD, tức tăng hơn năm ngoái 1 tỷ USD", ông Nguyên chia sẻ thêm.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-xuat-khau-sau-rieng-viet-nam-de-dang-vuot-3-1-ty-usd-post1520795.html