Vì thanh xuân ấy... đã không phí hoài

Xu Kiên, một tác giả trẻ, một cô gái theo đuổi 'chủ nghĩa xê dịch', xem việc đi đây đi đó khám phá vùng đất, con người là lẽ sống. Bởi thế mà một ngày đẹp trời, khi đã quá chán với không khí làm việc chốn văn phòng, khi cảm thấy tuổi đời mình còn quá trẻ và hoài bão, khát vọng cứ ăm ắp trong tim, Xu Kiên nhanh chóng quyết định nộp đơn xin thôi việc, bắt đầu hành trình rong ruổi dọc dài đất nước bằng xe máy, đến những vùng đất cô chưa từng đặt chân đến, gặp gỡ những con người chưa từng quen. Cuốn sách 'Nhắm mắt đi liều' (NXB Thanh Niên, 2022) là 'trái ngọt' kết tinh sau những chuyến đi dài ấy.

Cuốn sách "Nhắm mắt đi liều" (NXB Thanh Niên, 2022) của tác giả Xu Kiên.

Cuốn sách "Nhắm mắt đi liều" (NXB Thanh Niên, 2022) của tác giả Xu Kiên.

“Nhắm mắt đi liều” là cuốn sách du ký đầu tay của Xu Kiên, được viết trong vòng bốn năm. Đó cũng là quãng thời gian tác giả dành để khám phá dải đất hình chữ S. Nhưng điểm nhấn chính vẫn là hành trình xuyên Việt bằng xe máy kéo dài một năm. Rong ruổi trên hành trình vừa kích thích, gọi mời vừa đầy rẫy những nhọc nhằn, hiểm nguy ấy, bằng tài năng, tâm huyết, hoài bão của mình, tác giả đã ghi lại những câu chuyện chân thực, sinh động về cuộc sống, con người, văn hóa và phong cảnh ở Việt Nam mà đậm chất nhất vẫn là văn hóa miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đọc và tìm hiểu về Xu Kiên sẽ biết một điều rằng: tò mò và khao khát được hiểu biết về thế giới xung quanh, về những điều mới lạ đã được cô nhen nhóm, ấp ủ, dung dưỡng từ rất lâu. Chính điều đó đã thôi thúc bước chân Xu Kiên rong ruổi qua bao nhiêu nẻo đường, bất chấp trên hành trình ấy có bao nhiêu nhọc nhằn, hiểm nguy đang chờ đợi. “Ngày tôi còn rất bé, tôi sống ở một miền quê hẻo lánh, cứ nhìn mãi về hướng những con đường, những dãy núi phía đằng xa nhà mình. Chiều chiều, tôi nhìn lên núi thấy có khói. Mẹ tôi bảo dân tộc họ đang đốt rẫy, rồi bà bảo ở đó rất xa, tôi không thể nào một mình tự đi tới đó được. Tôi ngơ ngáo rồi nghĩ, trên núi cao như vậy mà cũng có người sinh sống hay sao?

Lớn lên, tôi tò mò, chẳng lẽ những dãy núi đó cách xa nhà mình lắm sao, sao không thể nào tới đó được một mình?

Sau này, khi tôi đi hết Việt Nam, dù là đồng bằng, ven biển hay núi cao, hải đảo, tôi đều một mình tự đi đến được, thậm chí tôi còn sống ở gia đình của họ như người nhà. Tôi hiểu, những nơi đó hoàn toàn không xa nhà mình lắm, chỉ cần tôi kiên trì, đi mãi thì cũng tới được thôi. Rõ ràng, không phải lúc nào lời nói của người lớn cũng đúng, kể cả đó là mẹ tôi”.

Những bộc bạch chân thành ấy đã mở lối, đưa độc giả bước vào thế giới con chữ của Xu Kiên, cùng theo chân cô gái “nhắm mắt đi liều”, khám phá mọi miền đất nước. Trên hành trình ấy, khi độc giả thấy Xu Kiên hóa thân thành cô gái Mông, cô gái Thái, lúc lại là cô gái Hoa, Dao Đỏ, Tày, Ba Na rồi có lúc lại nền nã, thướt tha trong tà áo dài. Trong vòng 1 năm, cô gái nhỏ đi hết đất Việt, mấy ai dám tưởng tượng. Đọc những dòng tâm sự của Xu Kiên về hành trình ấy mà trái tim không ngừng nảy nhịp, có lúc hào hứng như phát cuồng, vừa khâm phục mà cũng không thể không nói về độ “liều” của cô: “Hành trình chinh phục hết Việt Nam không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Tôi gặp tai nạn, nằm cạnh kề bánh xe tải và xém chết ở Hòa Bình, tôi phải nhập viện cấp cứu vì bị dị ứng ở Cao Bằng, tôi suýt chết đuối ở Du Già, Hà Giang; rồi gặp vài người đàn ông biến thái, muốn dở trò sàm sỡ... Thậm chí đến đất Quảng Trị rất gần Lào nên tôi qua Lào chơi vài bữa và bị cảnh sát giao thông Lào vòi sạch tiền; cách cửa khẩu 187 km, tôi hết tiền, hết luôn xăng xe, không biết về Việt Nam như thế nào”.

Trước những thông tin ấy, tin chắc rằng, sẽ có những người đặt câu hỏi: Tại sao phải lao mình vào chuyến đi nhiều bất trắc, rủi ro như thế để làm gì, được gì? Nhưng với những ai đã đọc “Nhắm mắt đi liều”, sau 38 bài viết - câu chuyện thấm đẫm hơi thở cuộc sống, giá trị nhân văn, lấp lánh tình đời - tình người thì mới cảm nhận hết được ý nghĩa của hành trình ấy.

Nếu không đi sao biết được cuộc sống của đồng bào Mông trên núi đá tai mèo hùng vĩ Đồng Văn (Hà Giang) lại khắc nghiệt đến thế. Nỗi buồn, mong mỏi của cậu bé người Mông và biết bao thế hệ người Mông là một khối đậm đặc, “sống trong đá và chết mòn trong đá: “Núi đá tai mèo hùng vĩ là thế nhưng sao thân phận của những kiếp người sống trên miền núi đá lại quá nhỏ bé. Có phải chăng đây chính là thực tế khắc nghiệt mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Cuộc sống không giống cuộc đời hẳn là đây”.

Không có những chuyến đi rong ruổi, đi rồi trở lại thì Xu Kiên chẳng thể có được những trang viết về bản Nậm Hồng - bản nhỏ nằm trong xã Thông Nguyên của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) với những người Dao đỏ thân thiện, mến khách, tỉ mỉ cùng nét văn hóa đặc trưng - lễ cấp sắc chi tiết, hấp dẫn đến vậy: “Theo quy định, tất cả những người tham gia lễ cấp sắc đều phải “nhịn” chuyện tình dục. Cụ thể, những cặp vợ chồng được làm lễ cấp sắc phải “nhịn” 52 ngày, người nấu cúng và phụ việc trong lễ cấp sắc “nhịn” 7 ngày, người khách tham gia chỉ có 3 ngày. Đây là các quy định nghiêm ngặt trong lễ cấp sắc buộc những người tham gia phải tuân thủ, nếu không nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sau này của những người làm lễ” (Nửa đêm lên rừng bắt ma).

Và nếu không có những chuyến đi ấy thì chẳng chất liệu khai thác nào đủ để độc giả được đọc những bài du ký hấp dẫn, chân thực đến từng chi tiết, từng gương mặt, số phận như đã thấy ở “Nhắm mắt đi liều” như: “Chỉ cần biết hát là có vợ!”, “Cô gái câm” đi chợ tết. “Ở đây người ta muốn nghèo cũng không nghèo được”, “Có một nền văn minh trong quá khứ còn sót lại”, “Gạ tình”, “May mà còn sống”, “Bình yên trên những cung đường là gì?”, “Những bà vợ Mông đi tìm chồng trong đêm”, “Bản Mông kỳ lạ nhất Việt Nam”, “Làm dâu ở SaPa”, “Hẹn hò cùng chàng trai Mông”, “Tiếng khóc của người phụ nữ trên đồi mâm xôi Mù Căng Chải”, “Vịnh Hạ Long” ở trên núi, “Ngày đen tối nhất ở Lào”, “Làng du lịch ma”, “Khi người dân tộc đi học công nghệ”... Đấy, chỉ cần lướt qua những cái tiêu đề bài viết cũng đủ để “câu dẫn” độc giả. Và cũng từ đó để biết rằng, tác giả đã trải qua hành trình đi, đến và khám phá từng ngóc ngách, lắng nghe từng tiếng thở dài, từng tiếng khóc, tiếng cười, lời tâm sự của người dân địa phương ra sao để đi được đến tận cùng của trải nghiệm, kiến thức, cảm xúc.

Văn của Xu Kiên đẹp như áng mây bồng bềnh trên đỉnh Mã Pì Lèng, sáng trong như màu nắng sớm, hồn nhiên như những ánh mắt, nụ cười em bé của bản làng... Đi giữa những tầng lớp ấy, bạn đọc cảm nhận rất rõ sự dũng cảm, mạnh mẽ, dám sống cho đam mê, khao khát của cô gái trẻ. “Nhắm mắt đi liều” của Xu Kiên không hẳn là một tuyên ngôn, nhưng nó cho chúng ta động lực, niềm tin theo đuổi ước mơ, hoài bão đến cùng. Dẫu cả thế giới nói rằng nó viển vông, vô nghĩa thì chính ta sẽ dùng ý chí, nghị lực và thực tiễn để chứng minh giá trị của nó: “Thêm một lần được đi, thêm vài lần gặp gỡ. Những con người thú vị, những miền quê hẻo lánh, những góc phố xa xa, một vài món ăn lạ. Mỗi bước chân trên hành trình mới, ngắm nhìn cảnh đẹp đó đây, cũng là hành trình quay về bản ngã của chính mình. Tự nhủ rằng: Ta đã không thẹn với tháng năm, góp nhặt thêm những câu chuyện quý báu vào cuốn nhật ký của riêng mình. Thanh xuân ấy, đã không phí hoài”. Hơn hết, đi để thấy đất nước mình tươi đẹp biết bao nhiêu, kỳ thú biết bao nhiêu mà cũng còn đó những nốt trầm lặng làm ta trăn trở, bồi hồi mãi không nguôi...

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/vi-thanh-xuan-ay-da-khong-phi-hoai/27810.htm