Vị trí và vai trò của cơ quan kiểm toán trong kiểm soát quyền lực nhà nước
Kiểm soát quyền lực là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt khi công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Kiểm toán nhà nước (KTNN) - cơ quan độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công đóng vai trò đặc biệt quan trọng về kiểm soát quyền lực nhà nước.
Chiều 21/11, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm soát quyền lực nhà nước” do ThS. Phạm Văn Học (KTNN chuyên ngành Ia) và ThS. Ngô Thanh An (KTNN khu vực II) đồng chủ nhiệm.
PGS,TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.
Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Qua đó, tạo nền tảng pháp lý cho cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước dựa trên việc phân công rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở cho cơ chế kiểm soát quyền lực.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát quyền lực rất khó khăn, đòi hỏi phải xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực để thống nhất về nhận thức và hành động thực tiễn. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một chỉnh thể các thể chế pháp lý và các thiết chế của Nhà nước có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng vận hành nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Cơ chế kiểm soát quyền lực phải đảm bảo phòng ngừa hữu hiệu để “không thể tham nhũng”; chế tài xử lý nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; chế độ đãi ngộ hợp lý để “không cần tham nhũng”; quy định gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên để “không muốn tham nhũng”.
Theo ThS. Ngô Thanh An, để tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo yêu cầu của Đảng và quy định của Hiến pháp, cần phải có các công cụ kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả, trong đó, cơ quan KTNN đóng vai trò quan trọng. Với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.
Qua gần 30 năm hoạt động, KTNN đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế nhằm bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Các kiến nghị kiểm toán của KTNN ngày càng đa dạng, có chất lượng được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng trong giám sát, quản lý, điều hành nền kinh tế, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công; giúp các đơn vị được kiểm toán khắc phục những yếu kém, bất cập, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, đảm bảo quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đúng pháp luật và có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ đã tạo được dư luận tốt cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, KTNN vẫn chưa phát huy hết vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước do một số nguyên nhân về thể chế, nhân lực, kỹ năng, phương pháp kiểm toán, đặc biệt là sự thiếu sự thống nhất trong nhận thức về vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực… Do đó, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn để có giải pháp khả thi, khoa học nhằm phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Từ kết quả nghiên cứu, Ban đề tài đã tổng quan về kiểm soát quyền lực nhà nước; vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước; những nhân tố tác động đến việc nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước; kinh nghiệm của KTNN một số nước trên thế giới về kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng; Phân tích, làm rõ thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN, từ đó nêu ra các ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của các hạn chế.
Đề tài đã nêu 3 quan điểm và đề xuất 6 nhóm giải pháp nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay; kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và KTNN để thực hiện các giải pháp đề ra.
Tại cuộc họp, PGS, TS. Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương, Phản biện 1 nhấn mạnh: Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nội dung quan trọng và là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, bảo đảm quyền lực Nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đặc biệt hơn, kiểm soát quyền lực nhà nước tốt sẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng mục đích, tránh lạm quyền, lộng quyền và các hành vi sử dụng quyền lực để vi phạm pháp luật, trục lợi.
Quá trình hoạt động 30 năm cho thấy, KTNN có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán vẫn còn hạn chế do nguyên nhân chủ quan và khách quan, rất cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Doãn Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, càng phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì càng có nguy cơ xuất hiện tiêu cực liên quan tới việc sử dụng quyền lực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lạm dụng quyền lực vì mục đích cá nhân. Những điều này không chỉ làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý nhà nước mà còn góp phần làm cho nạn tham nhũng, lãng phí có xu hướng gia tăng ở mọi cấp, mọi nơi.
KTNN là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Để KTNN nâng cao vai trò trong kiểm soát quyền lực nhà nước, Ban đề tài cần làm rõ, hệ thống hóa mô hình và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, từ đó thấy được vị trí và vai trò của KTNN trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 189-QĐ/TW, ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, Ban đề tài cần nghiên cứu, bổ sung thêm các nội dung trong Quy định 189-QĐ/TW để đảm bảo tính pháp lý và thời sự, TS. Lê Doãn Hoài khuyến nghị.
Các thành viên Hội đồng khoa học đề nghị Ban đề tài phân tích làm rõ hơn, khái niệm, nội dung, hình thức, phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của KTNN đối với kiểm soát quyền lực nhà nước gắn liền với các nội dung, hình thức, phương thức kiểm soát quyền lực để có sự gắn kết, thống nhất. Đối với phần thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán, sung thông tin về các quy định kiểm soát quyền lực trong quản lý tài chính công, tài sản công; kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, kiểm toán hiện nay để làm rõ vai trò của KTNN.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài với các kiến nghị có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu nghiên cứu, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời nghiên cứu thêm các quy định mới ban hành để hoàn thiện đề tài.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá./.