Vì Trường Sa xanh!
Trồng cây xanh, tăng gia rau xanh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quân dân huyện đảo Trường Sa. Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, giúp điều hòa khí hậu, 'ngọt hóa' đất đai, tạo bóng mát mà còn giúp che chắn gió, bão, góp phần vào khả năng phòng thủ, chiến đấu của quân, dân trên đảo.
Đảo xanh giữa đại dương
Do kiến tạo địa chất của nền cát mặn, thềm san hô và khí hậu khắc nghiệt nên mỗi cây xanh sinh trưởng được trên huyện đảo Trường Sa đều thấm đẫm công sức, mồ hôi của quân và dân nơi đây. Lúc đầu phủ xanh quần đảo Trường Sa mới chỉ có một số loại cây chính như: cây phong ba, bão táp, tra, bàng vuông.
Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã tập trung phủ xanh được trên các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông và đặc biệt đối với đảo Đá Tây A, khi chưa thực hiện chỉ là đảo trắng như sa mạc, cát san hô bị nhiễm mặn và chưa có bất cứ cây trồng nào có thể sống được. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đến nay đảo Đá Tây đã phủ toàn màu xanh và các loại cây sinh trưởng phát triển rất tốt”.
Ở huyện đảo Trường Sa, mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều chủ động trồng, nhân giống từ một đến hai cây xanh để tặng đảo. Trồng và chăm sóc cây xanh là hoạt động thường xuyên, là phong trào thi đua sôi nổi trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Không chỉ vất vả, khó khăn khi trồng, nhiều lần bão lớn lấy đi thành quả, công sức của các chiến sĩ. Cơn bão Tembin năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào đảo Trường Sa, khiến hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ, rau xanh trên đảo bị giập nát, nước biển cuốn trôi, hệ thống giếng nước ngọt nhiễm mặn. Trong bão số 9 năm 2021, hơn 90% cây xanh ở các đảo gãy, đổ, đất bị nhiễm mặn,… Song với ý chí và quyết tâm “xanh hóa Trường Sa”, các lực lượng trên quần đảo đã nỗ lực không ngừng để nhân lên sắc xanh ở Trường Sa. Đến nay, hầu hết các đảo như Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Nam Yết... đều đã mang trên mình màu xanh tươi mát.
Góp phần vào quá trình “xanh hóa Trường Sa”, bên cạnh sự cố gắng của cán bộ, quân dân trên đảo, không thể không nói đến sự chung sức, đồng lòng của người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho biết, chỉ tính 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân và dân Trường Sa hơn 34 nghìn cây xanh các loại, chưa kể hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, giống cây, hàng chục vườn ươm của mô hình “Vì Trường Sa xanh” để quần đảo phát triển bền vững hơn.
Thay vì phụ thuộc vào cây xanh nguồn gốc tự nhiên trên đảo, hiện nay, các đảo đều được quy hoạch trồng mới các loại cây xanh, như: Dừa Bến Tre, Bình Định; phi lao, tre, keo, bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân và dân trên đảo… Mỗi đảo như một “Công viên xanh” giữa biển khơi.
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Lê Đình Hải cho biết, theo ước tính, tỉ lệ phủ xanh ở Trường Sa đến nay đạt khoảng 45%. Để phủ xanh toàn bộ huyện đảo Trường Sa ước tính cần khoảng 70 nghìn cây xanh và khoảng 700 tấn phân bón các loại, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt mới có thể phủ xanh toàn bộ huyện đảo.
Cải thiện bữa ăn bộ đội, xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp
Trước kia, bữa cơm thường nhật của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thường chỉ có thực phẩm đồ hộp, rau sấy khô. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã quyết tâm đẩy mạnh tăng gia sản xuất tại các đảo, phấn đấu bảo đảm lương thực, thực phẩm tươi xanh. Đến nay, 100% các bữa ăn của bộ đội đã có rau xanh, cải thiện bữa ăn cho bộ đội vừa xây dựng đơn vị chính quy, sạch, đẹp.
Việc trồng rau ngoài đảo giống như chăm em bé. Lúc nào cũng phải nắm bắt, theo dõi sát diễn biến của thời tiết, rồi cắt cử người che chắn vườn rau theo đúng hướng, thậm chí từng ngày, theo từng cơn gió. Đặc biệt, cuối năm, gió biển rất mạnh, chỉ cần một chút chủ quan, một đêm quên không đóng cửa vườn rau thì hôm sau toàn bộ các luống rau có thể đã bị gió muối làm táp đen, bao nhiêu tâm huyết, công sức coi như mất trắng.
Trên các đảo nổi, điều kiện tăng gia sản xuất thuận lợi bởi không gian rộng rãi. Trên đảo có hệ thống các cây xanh cỡ lớn giúp che chắn gió, có giếng nước ngọt, chiến sĩ còn có thể tận dụng lá cây, cỏ khô để ủ thành phân bón cải tạo đất. Ở các đảo chìm, không gian sinh hoạt hạn chế, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, vì vậy, việc trồng, chăm sóc cây cối và rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Từng nắm đất đều phải mang từ đất liền ra, tất cả các vật dụng như chậu hỏng, máng nhựa, xô thủng, chậu xi măng đều được bộ đội tận dụng để trồng rau. Ngoài ra, các hệ thống giàn treo cũng được áp dụng để tối ưu hóa không gian trồng các loại giống cây leo như: mồng tơi, mướp, dưa chuột. Xung quanh vườn rau luôn được rào bằng các tấm tôn, lưới để ngăn gió, hơi mặn từ biển thổi vào, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết đến sự phát triển rau xanh trên đảo.
Cây xanh ở đây được cán bộ, chiến sĩ trồng và chăm sóc cũng rất sáng tạo. Các loại cây, loại hoa được trồng trong chậu, sắp xếp ngay ngắn, có gắn biển “Vườn hoa thanh niên”. Đây không phải là vườn hoa cố định một vị trí mà là những “vườn hoa di động”, sẽ được di chuyển đến các vị trí khác nhau theo từng mùa để tránh sóng và gió biển.
Những năm qua, Quân chủng Hải quân và các đơn vị trực thuộc đã huy động các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ xây dựng 13 vườn rau, nhà lưới ở các đảo nổi và đầu tư củng cố hàng chục vườn rau tại các đảo chìm. Riêng hai vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông với diện tích 240m2 do Viện Nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ đã mở ra ý tưởng mới về công nghệ trồng rau nhà kính, bảo đảm nguồn rau xanh quanh năm ở Trường Sa trong thời gian tới.
Cùng với việc đầu tư nhà màng, nhà kính để tăng hiệu quả tăng gia sản xuất, nét mới trong bảo đảm nguồn thực phẩm cho các đảo là trang bị hàng chục tủ cấp đông để dự trữ thực phẩm đông lạnh và tăng cường rau, củ, quả tươi.
Trường Sa có 4 Cây Di sản
Đến nay, có 4 cây tại Trường Sa được công nhận là Cây Di sản bao gồm: cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, cây mù u trên đảo Sơn Ca, cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết và cây mù u trên đảo Sinh Tồn.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây có chu vi thân cây rộng 3,8m, tuổi thọ gần ba trăm năm. Cây mọc tự nhiên trên đảo, gắn liền với sự có mặt của ngư chài - những ngư dân ở tỉnh Phú Khánh xưa kia đi thuyền ra Trường Sa đánh bắt hải sản và trao đổi hàng hóa với tàu thuyền nước ngoài từ thế kỷ XVII.
Cây mù u ở đảo Sơn Ca, cây bàng quả vuông 8 nhánh ở đảo Nam Yết cũng tồn tại 300 năm. Khác với các đảo nổi, đảo chìm khác, Sơn Ca là đảo duy nhất được phát hiện có mạch nước ngọt sớm nhất sau ngày giải phóng và đây cũng là đảo có lớp mùn đất dày nhất, nhiều chim muông nhất và cây xanh nhiều nhất. Còn cây mù u ở đảo Sinh Tồn mới gần 100 năm tuổi.
Các cây xanh trên đảo là những “cột mốc xanh” giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển. Màu xanh thể hiện sức sống giữa đại dương cát mặn, đất cằn, là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, nỗ lực vượt khó, thích nghi với mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-truong-sa-xanh-post503294.html