Vị tướng của những thương hiệu lớn!
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đúng là người có 'tướng'. Dáng cao to, đi đứng oai phong, giọng nói sang sảng, mắt luôn nhìn thẳng. Có lần gặp tôi, Thiếu tướng góp ý rất thẳng thắn và quyết liệt về bài báo của một cộng tác viên viết về vụ án liên quan đến Tổ Điệp báo A13 từng đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'lnville của thực dân Pháp năm 1950...
1. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an vừa vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 97. Tin ấy với chúng tôi rất đột ngột. Trước Tết âm lịch Quý Mão, mấy anh em chúng tôi ở Cục Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng - A25 (nay là Cục An ninh chính trị nội bộ) ngồi với nhau tại khách sạn Phương Nam, Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng thông tin với chúng tôi: “Cụ Quang Phòng còn khỏe, giọng nói vẫn sang sảng, gặp nhau vẫn nhớ tên anh em rành rọt. Thơ cụ làm vẫn lạc quan, vui sống lắm!”. Chúng tôi nghe và thấy vui sao về người thủ trưởng, người thầy của nhiều thế hệ cán bộ Cục Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng. Nào ngờ ngày hôm nay, người thủ trưởng đáng kính ấy đã ra đi vào cõi vĩnh hằng…
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đúng là người có “tướng”. Dáng cao to, đi đứng oai phong, giọng nói sang sảng, mắt luôn nhìn thẳng. Có lần gặp tôi, Thiếu tướng góp ý rất thẳng thắn và quyết liệt cho một bài báo của một cộng tác viên viết về vụ án liên quan đến Tổ Điệp báo A13 từng đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'lnville của thực dân Pháp tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27/9/1950. Theo ông, bài báo ấy đã thể hiện sự non yếu khi tìm hiểu và phân tích tư liệu lịch sử liên quan đến một vụ án tiêu biểu của lực lượng Công an thời kỳ trứng nước.
Bản tính của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng là vậy, luôn bộc trực, đã làm việc gì thì làm đến tận cùng. Bản tính ấy có nguồn gốc từ sâu thẳm của dòng họ Nguyễn Quang ở tỉnh Thái Bình.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng sinh năm 1927. Suốt tuổi thơ ông theo cha mẹ về huyện Quỳnh Côi, Thái Bình học tập rồi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông học giỏi, nhưng bắt đầu nhận thấy rằng, đất nước đang bị nô lệ, mình vẫn phải học lên Thành chung (như THPT bây giờ) nhưng không thể ra làm tay sai cho chúng. Và rồi như một lẽ tự nhiên, năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Quang Phòng đã tham gia Việt Minh từ tháng 1/1945 với chức “Đội trưởng tự vệ” bảo vệ người cộng sản Ngô Duy Đông (ông Ngô Duy Đông sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương, Hưng Yên). Ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, Nguyễn Quang Phòng tham gia giành chính quyền huyện Quỳnh Côi và chiếm đồn Bến Hiệp rồi được Tỉnh ủy Thái Bình chọn cử đi làm cán bộ tăng cường cho chiến khu Việt Bắc, rồi ông vào bộ đội từ đó (19/8/1945). Ông từng làm chính trị viên huyện đội Thanh Sơn, Phú Thọ, tham gia chỉ huy nhiều trận đánh và giành thắng lợi như trận Thu Cúc, trận Lai Đồng. Ngày 19/8/1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Có lần khi nghe tôi hỏi ngày được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ông thấy lòng mình như thế nào, ông cười lớn, rồi tâm sự: “Lãng mạn lắm, những người cộng sản trẻ tuổi hồi ấy đều có một tâm huyết giống nhau, thề xin thực hiện lý tưởng cộng sản ở Việt Nam, ở Đông Dương và trên toàn thế giới, tức là làm cách mạng toàn thế giới!!! Chúng tôi thường hay hát: “Ta mơ trần gian, lấp san bằng hết biên thùy. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trên toàn thế giới...”. Rồi tháng 8/1949, Nguyễn Quang Phòng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi về Bộ Tổng tư lệnh và phân công nhiệm vụ công tác tại Cục Tình báo Bộ Quốc phòng, ở bộ phận Phòng Phản gián. Năm 1950, theo chủ trương của Trung ương, Cục Tình báo sáp nhập với Nha Công an Trung ương, ông được về làm việc tại Phòng Địch tình, Ty Chính trị thuộc Nha Công an Trung ương do đồng chí Lê Giản làm Tổng Giám đốc. Mới “chân ướt chân ráo” nhưng tại đây, ông cùng với nhiều cán bộ trẻ kiến nghị với lãnh đạo Nha Công an Trung ương cần rút các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn ra chiến khu vì biện pháp nghiệp vụ cho cán bộ Công an “giả đầu hàng” thực dân Pháp để hoạt động đã gây nhiều tác hại trong dư luận quần chúng nhân dân, hiểu nhầm cán bộ kháng chiến. Vì thế, Nha Công an đã lập kế hoạch bí mật đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'lnville, rút an toàn các chiến sĩ của ta từ vùng tạm chiếm. Và cũng từ đây người chiến sĩ tình báo giỏi tiếng Pháp Nguyễn Quang Phòng gắn bó đời mình với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Từ năm 1983 đến năm 1988, đồng chí Nguyễn Quang Phòng được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Bảo vệ nội bộ, nay là Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an. Năm 1988, đồng chí Đại tá Nguyễn Quang Phòng được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và một năm sau, năm 1989, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng nói riêng và Tổng cục An ninh nói chung luôn giữ một thái độ trân trọng, kính cẩn dành cho người thủ trưởng của mình - Tướng Quang Phòng. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng còn là một trong những người đầu tiên tạo nên thương hiệu của lực lượng Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng suốt hơn nửa thế kỷ qua…
2. Về hưu với quân hàm Thiếu tướng, Tướng Quang Phòng dường như không quên nhiệm vụ. Tôi nhớ có lần ông vào thăm Phòng An ninh Báo chí - Xuất bản do Trưởng phòng kiêm Bí thư chi bộ Bùi Văn Cơ (sau đồng chí Bùi Văn Cơ trở thành Thiếu tướng, Cục trưởng Cục A25) chủ trì. Nghe tin ông tới, chúng tôi giải lao để tiếp ông, nhưng chủ yếu là để được nghe ông giảng giải, khuyên bảo về công tác nghiệp vụ. Ai đó ví Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng như là một cuốn “từ điển sống”, quả không sai. Ông khuyên chúng tôi phải dám “chịu chơi”, phải giao lưu với các nhà văn lớn, với các trí thức, với những cây “đại thụ” về chuyên môn để học hỏi. Ông bảo không bao giờ được “cậy thế” Công an mà làm bừa để dư luận xấu, rất khó giải tỏa. Muốn học thì đừng giấu dốt, chưa xứng là học trò của trí thức lớn trong nước thì đừng có mà “tinh vi”. Nói xong chữ “tinh vi”, ông lại cười lớn một cách sảng khoái…
Tôi vốn chơi thân với con trai ông, Thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng, người nối nghiệp cha ở Cục A25 cũ, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, vì thế tôi thường nhiều lần đến thăm ông tại nhà riêng, mục đích là khai thác tư liệu nghiệp vụ, lịch sử ngành ở ông. Có lần biết ông chuẩn bị nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng, tôi hỏi ông, với thâm niên trên 50 năm tham gia cách mạng, hơn 45 năm tham gia chiến đấu trong lực lượng CAND, 75 năm tuổi Đảng, đâu là điều ông tâm huyết nhất, còn điều gì khiến ông trăn trở nhất? Không suy nghĩ lâu, ông nói: “Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hầu như ngành nào cũng có kế thừa từ chế độ cũ. Chỉ có nghề Công an là không ai dạy cả. Lực lượng CAND phải sáng tạo, tự lực cánh sinh, phải tự tìm trong truyền thống cha ông, trong thực tiễn thành công và thất bại để đúc kết bài học kinh nghiệm mà chiến thắng kẻ thù. Tri thức ấy phải trả bằng máu mới xây dựng nên kho tàng biện pháp nghiệp vụ làm nên chiến thắng. Bí mật ấy là của ngành Công an, của Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đúc kết mà nên. Vì thế, nếu gia đình nào có nhiều người, nhiều đời tham gia lực lượng CAND thì đó sẽ là môi trường vô cùng thuận lợi để truyền cho nhau những bí quyết, kinh nghiệm xương máu không thể lộ lọt ra ngoài nhiều thông tin nội bộ. Các cụ ta thường dạy “sống để dạ chết mang theo” là như thế. Tôi tự hào vì gia đình tôi học hành thông minh và có đến ba đời chọn ngành Công an để làm việc, cống hiến”.
Rồi ông nói tiếp: “Điều tôi luôn dặn con cháu là: Ngày xưa, bố phải tìm rồi tự nguyện dấn thân, tham gia cướp chính quyền thoát vòng nô lệ, bảo vệ chính quyền. Nhiệm vụ các con bây giờ phải đi tiếp con đường bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước. Hãy như bố mẹ thuở ấy dám chấp nhận hy sinh vì lý tưởng. Mẹ các con theo nghề kiểm sát, bố làm nghề an ninh, cùng bảo vệ pháp luật, nhưng đã phấn đấu, rèn luyện suốt đời, giữ bản lĩnh và nhân cách để đến hôm nay cùng được nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đó há chẳng phải là gia tài tinh thần vô giá sao?”.
Hôm nay, đến Nhà tang lễ quốc gia tiễn biệt người thủ trưởng cũ của mình, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ kể với tôi: “Anh Quang Phòng trở thành thương hiệu lớn của lực lượng an ninh văn hóa tư tưởng Bộ Công an. Thời chúng tôi làm lính của anh và bác Dương Thông (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh), đi sang làm việc với các bộ, ngành ngoài, không cần phải giấy giới thiệu, chỉ cần nói chúng tôi ở chỗ anh Quang Phòng, thế là bắt tay làm việc, hợp tác ngay. Anh là người có tài năng, đức độ, giỏi về nghiệp vụ, suốt cả cuộc đời gắn bó với lực lượng Quân đội và Công an. Tính anh khảng khái, bộc trực, không sợ mất lòng, chỉ cần được việc. Nhưng nhiều người làm việc với anh, hiểu anh nên thấy thoải mái, kính trọng, ủng hộ anh vì công việc. Ngày tôi làm lính anh, “viết trộm” được một truyện ngắn có tên là Xa lạ đăng Báo Văn nghệ, sau được đọc trên mục Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Biết chuyện ấy anh khuyến khích tôi: “Cậu nên viết, có năng khiếu thì viết hay vào. Như thế là tốt lắm, hiểu anh em văn nghệ sỹ để mà chơi. Đồng chí Dương Thông cũng ủng hộ tôi viết nhiều hơn, hay hơn. Được nghe những lời như thế của các thủ trưởng, thấy hạnh phúc vô cùng. Có thể khái quát chân dung dày tâm đức, giỏi nghiệp vụ của Tướng Nguyễn Quang Phòng bằng một câu văn: “Vị tướng giàu bản lĩnh và tâm hồn thi sĩ”. Đối với tôi, anh Nguyễn Quang Phòng là người thầy và người anh lớn”.
Nhiều năm nay, dù đã bước vào tuổi trên 90 nhưng Tướng Nguyễn Quang Phòng vẫn cùng cán bộ Công an lão thành đi vận động mọi người ủng hộ quỹ hỗ trợ đồng bào nghèo, để dành tặng bà con vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Người ta thấy ông vẫn viết bằng bút bi những vần thơ ca ngợi Đảng, viết về những kinh nghiệm đấu tranh của lực lượng An ninh dành tặng thế hệ chúng tôi. Cầu chúc ông - Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bình yên miền cực lạc sau những cống hiến toàn bộ sức lực, tâm hồn mình, cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/vi-tuong-cua-nhung-thuong-hieu-lon--i687382/