Vị tướng duy nhất được ví là 'Gia Cát Lượng của Việt Nam', tên được đặt cho nhiều con đường
Xuất thân danh gia vọng tộc, lại là người có chí lớn, mưu cao, đây là vị tướng văn võ song toàn nổi tiếng lịch sử Việt Nam. Sinh thời, ông còn được mệnh danh là 'Gia Cát Lượng của Việt Nam'.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều vị tướng tài. Trong đó có một người vượt trội, nổi tiếng không chỉ bởi tài văn võ mà còn có thể tiên đoán như thần. Ông là Nguyễn Hữu Dật, đại công thần của chúa Nguyễn ở Đàng Trong (Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh). Nguyễn Hữu Dật (1603 – 1681), con trai của Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn, cháu 18 đời của Định Quốc công Nguyễn Bặc (thời nhà Đinh) và cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi (thời nhà Lê Sơ).
Sinh thời, Nguyễn Hữu Dật đã phò tá các đời chúa Nguyễn đánh lui quân của chúa Trịnh, giữ yên bờ cõi Đàng Trong. Ông còn văn võ hơn người, dự đoán, xem thiên văn như thần. Trong “Đại Nam liệt truyện” ((Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Viện sử học phiên dịch, NXB Thuận Hóa 2006), tập 1, phần truyện các bề tôi, Nguyễn Hữu Dật được khen ngợi là người sáng suốt, tài lược, ví như Gia Cát Lượng cảu nhà Thục thời Tam Quốc.
Sinh ra ở Thăng Long, Nguyễn Hữu Dật có cha là Nguyễn Triều Văn, tước Triều Văn hầu, từ năm 1609 đã theo chúa Nguyễn vào Thuận Hóa, sau định cư tại Quảng Bình. Từ bé Nguyễn Hữu Dật đã bộc lộ tư chất thông minh. Chỉ vài tuổi ông đã đóng vai đại tướng, bày trận, đặt quân kỳ khi cùng lũ trẻ nô đùa. Sau này cha Nguyễn Hữu Dật mời thầy giỏi về dạy cho con, nhờ thế mà Dật ngày càng phát triển.
16 tuổi, Nguyễn Hữu Dật đã được làm văn chức. Nhưng vì một lần bốc đồng nói trái ý chúa Sãi mà ông bị cho về quê. Rút kinh nghiệm, Nguyễn Hữu Dật sửa đổi tính nết, rèn giũa bản thân trở nên điềm đạm hơn. Năm 23 tuổi ông quay lại quan trường, còn được chúa Sãi yêu quý hết mực.
Năm 1627, Nguyễn Hữu Dật được bổ nhiệm làm Giám chiến đi theo Tiết chế Tôn Thất Vệ đánh nhau với quân Trịnh. Ông chính là người cùng Đào Duy Từ trông coi việc đắp Lũy Thầy. Năm 1668, Nguyễn Hữu Dật cùng cha thống lĩnh quân đội đánh thắng quân Trịnh, trận đánh đó vô cùng nổi tiếng. Sau lần này, Nguyễn Hữu Dật được thăng chức làm Cai cơ, Ký lục doanh Bố chính.
Chưa dừng lại đó, khi làm Đốc chiến, ông từng dẫn quân đánh ra Bắc, chiếm 7 huyện phía Nam Nghệ An, lấy sông Lam làm ranh giới Nam – Bắc một thời gian, sau mới rút về. Sử sách đánh giá, Nam triều khi đó có 2 danh tướng, 1 là Nguyễn Hữu Dật, người còn lại là Nguyễn Hữu Tiến.
Biệt tài khác của Nguyễn Hữu Dật là xem thiên văn. Năm 1657, ông từng tiên đoán đúng ngày có mưa to gió lớn, khuyên Nguyễn Hữu Tiến đánh úp đồn của Thắng Nham vào ngày đó sẽ thắng. Quả thật, sự việc diễn ra như vị tướng này dự tính. Trận đó quân của Nguyễn Hữu Dật khiến Thắng Nham phải bỏ trốn, thu được nhiều khí giới, thắng rất to.
Lần thứ hai, sau năm 1658, Nguyễn Hữu Dật lại dự đoán đúng ngày mưa lụt để quân mình tổ chức đánh lũy Đồng Hôn. Trận đó quân Trịnh kinh sợ, tan tác, Vân Khả phải trốn về Yên Trường, Hữu Tiến thì chiến thắng trở về.
Năm 1681, Nguyễn Hữu Dật qua đời ở tuổi 78, được chúa Nguyễn phong là Tán thị Tĩnh nạn công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Tả quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Chiêu quận công, thụy là Cẩn Tiết. Sau này vua Gia Long lên ngôi, Nguyễn Hữu Dật lại được phong làm Thượng đẳng công thần, thờ phụ ở Thái Miếu, cho một người trong dòng dõi làm Đội trưởng được thế tập để trông coi thờ cúng, cấp cho 15 mẫu tự điền, 6 người coi mộ.
Năm 1810, Nguyễn Hữu Dật lại được cho thờ vào miếu Khai quốc công thần, truy phong là Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thái phó, đổi thụy là Nghị Vũ, tước Tĩnh quốc công. Năm 1835, ông được vua cho thờ vào Vũ Miếu.
3 người con của Nguyễn Hữu Dật là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Hữu Cảnh về sau đều là danh tướng lừng lẫy của chúa Nguyễn. Trong đó, Nguyễn Hữu Cảnh nổi tiếng hơn cả nhờ công lớn trong mở mang bờ cõi.