Vì tương lai thịnh vượng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 13/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Diện mạo đã nhiều đổi thay

Nhớ 3 năm trước vào hạ tuần tháng 9/2017, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời điểm biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, vừa bị lũ lụt vừa bị hạn mặn xâm nhập. Ngày đó, sự kiện này được xem như “Hội nghị Diên Hồng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã đi khảo sát nhiều tỉnh, thành đã thấy được việc sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún… nhưng nhận định lạc quan về tương lai Đồng bằng sông Cửu Long: “Chúng ta không hoảng hốt mà mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta”.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có đến hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng quy hoạch cấp vùng có 22 bản quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch về phát triển kinh tế -xã hội; 5 quy hoạch về xây dựng; 7 quy hoạch về phát triển nông nghiệp - nông thôn; 7 quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực. “Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng quy hoạch kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã tìm được lối đi, cách làm tốt cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo cho biết: Diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều đổi thay. Đó là kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên. Định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ. Khơi thông, thúc đẩy nguồn lục đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Kết quả, theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỷ đồng (tương đương trên 12 tỷ USD) được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới, đồng thời năm 2020 nông dân và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước).

Năm 2019, diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con; toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, số lượng giống sản xuất được gần 4 tỷ con. Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích cả nước; năm 2019, sản xuất khoảng 16 tỷ con quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước. Hiện có khoảng 335,4 ngàn ha cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, nhiều cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền Đồng Tháp - Cần Thơ mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền Đồng Tháp - Cần Thơ mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên.

Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Những thành quả nêu trên nhờ tận dụng lợi thế của vùng, cùng với tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cũng như tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) mang lại.

Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư thực hiện 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng (đã được giao 29.426 tỷ đồng), trong đó 14 dự án đã hoàn thành có tổng mức đầu tư là 41.474 tỷ đồng, 14 dự án đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư là 40.494 nghìn tỷ đồng, 03 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 6.995 tỷ đồng. Đến nay tuyến Quốc lộ 1 đã được đầu tư cơ bản phù hợp quy hoạch với quy mô 04 làn xe, hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang, hoàn thành 40km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Trung Lương, thông xe đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận...; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng), tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau…

Tổng số vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư qua địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 220 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 16% so với cả nước. Vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số Bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong một số lĩnh vực cụ thể: Nông nghiệp (28.200 tỷ đồng); giao thông (32.961 tỷ đồng); y tế (947,5 tỷ đồng). Nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020: 2.500 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả đạt được là đáng mừng nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.

Hướng tới sự thịnh vượng

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất nhiều giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và để trở thành “nơi sống tốt” và “nơi đáng đến”. Vì sự thịnh vượng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ, ngành và địa phương dự kiến hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư qua địa phương là 266.049 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số Bộ để triển khai các công trình dự án trong vùng như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 32.859 tỷ đồng; Bộ Y tế 1.927 tỷ đồng; Bộ Giao thông Vận tải khoảng 198.823 tỷ đồng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, đề xuất khoảng hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long quy mô dự kiến 1,05 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách đi kèm với các dự án liên kết vùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng chống hạn hán xâm nhập mặn và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông được xem là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội phát triển theo. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng. “Kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đối với ngành Giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khoảng 57 nghìn tỷ, so với nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29 nghìn tỷ. Mong rằng các tỉnh cùng với Bộ sẽ cố gắng thực hiện tốt kế hoạch để đến 2025, giao thông vận tải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng: Hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn trong phát triển của Vùng. Dịch vụ logistics để phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản cho vùng còn rất hạn chế, toàn vùng vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đặc biệt về đất đai, vốn, khoa học công nghệ. Vì sản xuất nông nghiệp của Vùng có tính đặc trưng riêng so với các vùng kinh tế khác trong nước. “Bài viết “Đạo lý cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long” trong quyển sách “Tây Nam bộ tiến vào thế kỷ XXI” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đó nhấn mạnh “Phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí. Ráo riết, quyết liệt làm để tối thiểu sau năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long có đủ điều kiện cất cánh tới phồn vinh, thịnh vượng”, Bí thư Đỗ Thanh Bình nhắc lại.

Ngày hôm nay, nhiều nơi Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Ngày hôm nay, nhiều nơi Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc “Đối thoại 2045” như Chính phủ đã tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá để thực hiện khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045, thực hiện di nguyện “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tổ chức ở vùng đất Chín Rồng để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên, không chỉ sánh vai cùng cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng.

“Đến năm 2045, nếu thu nhập bình quân cả nước đạt mức cao nhưng thu nhập của người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức trung bình và hàng ngày phải chống chịu với biến đổi khí hậu thì mục tiêu của chúng ta vẫn chưa đạt được, ước nguyện của Bác vẫn chưa thành”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vi-tuong-lai-thinh-vuong-dong-bang-song-cuu-long-301279.html