Vị tướng quê Nhãn với sứ mệnh của 2 người thầy

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết nhớ lại, năm 1979, các trường quân y, quân sự về tận các trường cấp 3 tuyển những học sinh học giỏi các môn học khoa học tự nhiên, vận động gia đình cho con em tham gia học tập. Từ đó, ông khoác trên mình 2 màu áo xanh - trắng, khởi đầu cho cuộc đời mang sứ mệnh của 2 người thầy “thầy thuốc - thầy giáo”.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y là người con của quê hương xã Đình Dù (Văn Lâm). Cha mẹ ông sớm tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Cha ông là cán bộ lão thành cách mạng, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, từng bị địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, là một trong những người được Nhà nước phong quân hàm lần đầu tiên vào năm 1958. 3 người anh của ông cũng tham gia quân đội. Tiếp nối truyền thống gia đình, chàng thanh niên trở thành sinh viên Học viện Quân y sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Vị Trung tướng xúc động kể về truyền thống gia đình, về quê hương ông, cả quá trình học tập, nghiên cứu, cống hiến cho nền y học nước nhà và những trăn trở để góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19. Năm 1985, ông ra trường làm việc tại Bệnh xá Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2). Trải qua quá trình công tác, từ năm 2014 đến nay, ông là Giám đốc Học viện Quân y. Giọng trầm xuống, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết xúc động nhớ về người cha của mình: “Năm 1983, bố tôi mất. Đó là một biến động lớn trong cuộc đời tôi. Tôi đã chứng kiến người cha thân thương phải chịu những cơn hen hành hạ do thời kỳ trong quân ngũ cha tôi nằm dưới hầm nhiều. Và cha tôi cũng mất do căn bệnh này. Đó là lý do tôi lựa chọn theo đuổi tận cùng chuyên ngành hô hấp…”. Cảm xúc ấy theo ông mỗi lần khám, điều trị cho người bệnh, trong nghiên cứu khoa học, đến những giờ lên lớp giảng bài, ông cũng thêm động lực hơn.

Năm 1998, ông bắt đầu công tác giảng dạy. Mỗi năm ông tham gia giảng dạy hàng nghìn tiết cho sinh viên đại học, sau đại học; hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, bác sỹ CKII, bác sỹ CKI... Các thế hệ sinh viên lĩnh hội được ở ông tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm lâu năm, sự tận tâm, tận lực của người thầy thuốc, thầy giáo giỏi và cả những điều giản dị trong cuộc sống. Ông có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí y, dược học quân sự, truyền nhiễm và nhiều bài trên tạp chí quốc tế uy tín; tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, bộ, ngành và thành phố; giành nhiều giải thưởng khoa học, bằng độc quyền sáng chế, sáng kiến… Ông đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, 5 lần tham gia ghép tạng, để lại nhiều dấu ấn mang ý nghĩa bước ngoặt của nền y học Việt Nam.

NÊU CAO TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, TIÊN PHONG ĐI ĐẦU

59 tuổi, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết vẫn luôn tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Ông đã tham gia biên soạn và chủ biên nhiều tài liệu khoa học, giáo trình, sách tham khảo cho sinh viên y, dược như: Học qua ca bệnh lâm sàng nội khoa; Nội khoa dã chiến; Bệnh bụi phổi Silic; Bệnh màng phổi; Các kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp... Với cương vị là Giám đốc Học viện, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết đã cùng với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn học viện chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm đạt được kết quả toàn diện trên các mặt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Tiêu biểu, mẫu mực”; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chủ trương lấy việc học thông qua nghiên cứu, lấy nghiên cứu khoa học để giải quyết những vấn đề trong giảng dạy, điều trị, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng học viện trở thành học viện nghiên cứu, xây dựng đội ngũ giảng viên “3 trong 1” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị. Phong cách làm việc khoa học đã giúp ông sắp xếp thời gian cho từng nhóm nghiên cứu trong học viện; năng lực cán bộ cũng được phát huy tối đa bởi sự gần gũi, lắng nghe, gợi mở của ông. Chính vì vậy, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động, tiên phong đi trước, ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, biên soạn, phát hành cuốn tài liệu về dịch Covid-19 “100 câu hỏi - đáp về dịch Covid-19”, nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công Kit test SARS-CoV-2 từ sớm, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam và quốc tế; nghiên cứu làm khẩu trang vải kháng khuẩn; tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19, Nanocovax… Trong những ngày tháng bùng phát dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân y đã tổ chức nhiều đợt đưa hàng nghìn cán bộ, nhân viên, học viên vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Những nỗ lực, cống hiến của Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Ông vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện ca ghép tạng ngày 27.7.2016; Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc, thực hiện thành công ca ghép tạng và ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Kỷ lục Việt Nam “Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam” cùng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua các cấp khác.

Dù ở cương vị nào, ở Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết luôn toát lên sự thân tình gần gũi, được đồng nghiệp yêu mến, quý trọng. Sau gần 20 năm có dịp gặp lại, ông Lê Thanh Tùng, người đồng đội cũ vẫn nhận thấy Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết là người tình cảm, chân thành, giản dị. Trong một lá thư viết tay gửi Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, ông Lê Thanh Tùng viết: “Anh thấy chú vẫn giữ được phong cách điềm đạm, nói năng khiêm nhường như những ngày mà anh em mình cùng công tác. Ngày ấy, đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 1- 2 giờ sáng, anh đi kiểm tra gác, vẫn thấy chú ngồi bên ngọn đèn học chuyên môn, học ngoại ngữ trong khi mọi việc lớn nhỏ trong Ban ngoại I dưới sự điều hành của chú đều hoàn thành tốt…”. Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết trân trọng và giữ gìn lá thư viết tay của người đồng đội gửi cho ông như một kỷ vật trân quý chứa chan tình đồng chí, đồng đội.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202112/vi-tuong-que-nhan-voi-su-menh-cua-2-nguoi-thay-3232a9c/