Vì World Cup không chỉ là bóng đá
World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar không chỉ là Vòng chung kết Cúp Thế giới 'tốn kém' nhất trong lịch sử bóng đá, tính đến thời điểm hiện tại. Khác với rất nhiều lần tổ chức trước đây, Qatar 2022 chắc chắn sẽ còn được nhớ đến như một trong những vòng chung kết phải đối diện nhiều thách thức nhất, về cả các xung đột tập tục văn hóa, những cơ hội phát triển kinh tế, hay thậm chí là mâu thuẫn về quan điểm chính trị quốc tế…
1. "Hôm nay tôi có những cảm xúc rất mạnh mẽ. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người Qatar. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người Arab. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người châu Phi. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người đồng tính.
Hôm nay tôi cảm thấy mình là người tàn tật. Hôm nay tôi cảm thấy mình là một công nhân nhập cư" - Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói, trong đoạn độc thoại kéo dài tới cả tiếng đồng hồ mở đầu cuộc họp báo đầu tiên của World Cup 2022 trên đất Qatar, ngày 19/11 - "Tất nhiên, tôi không phải người Qatar, tôi không phải người Arab, tôi không phải người châu Phi, tôi không phải người đồng tính, tôi không bị khuyết tật. Nhưng, tôi cảm thấy thích điều đó, bởi vì tôi biết thế nào là bị phân biệt đối xử, bị bắt nạt".
Rõ ràng, thông điệp chính ở đây là một sự nỗ lực truyền cảm hứng từ người đứng đầu FIFA, rằng bất chấp bao nhiêu lời chỉ trích hay những luồng dư luận ngược chiều, World Cup vẫn luôn là ngày hội của tinh thần thể thao cao thượng – bao dung, tình hữu nghị cũng như sự bình đẳng.
Và, ông không quên nhấn mạnh: "Điều đáng buồn là đặc biệt trong những tuần qua, chúng ta đã chứng kiến ở một số nơi bài học đích thực về đạo đức và về tiêu chuẩn kép cho đạo đức... Hàng trăm nghìn lao động nhập cư, họ giúp gia đình họ tồn tại. Và, họ làm điều đó một cách hợp pháp. Chúng tôi ở châu Âu, chúng tôi đóng cửa biên giới và thực tế chúng tôi không cho phép bất kỳ công nhân nào từ các quốc gia này làm việc hợp pháp tại đất nước chúng tôi. Chúng ta đều biết có rất nhiều lao động bất hợp pháp ở các nước châu Âu của chúng ta, điều kiện sống cũng không thực sự tốt nhất...
Vì vậy, nếu bạn thực sự quan tâm đến số phận của những người này, những người trẻ tuổi này, thì châu Âu cũng có thể làm như Qatar đã làm: Tạo ra một số kênh hợp pháp để ít nhất một số công nhân này có thể đến châu Âu, giảm doanh thu, nhưng mang lại cho họ một số công việc, cho họ một số tương lai, cho họ một số hy vọng...
Tất nhiên, có những điều không hiệu quả và cần được giải quyết. Nhưng, bài học đạo đức này, một chiều, đó chỉ là đạo đức giả".
2. Vấn đề là, bài phát biểu đầy dụng công này của ngài Gianni Infantino - nhằm đáp trả các ý kiến chỉ trích rằng việc tổ chức World Cup tại Qatar vào thời điểm bất thường (cuối năm thay vì mùa hè như truyền thống) hoặc thậm chí kêu gọi tẩy chay ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh (với lý do là các cơ sở hạ tầng được xây dựng trên nền tảng là sự đọa đày và bóc lột những người lao động nhập cư) - lại cũng chính là sự mâu thuẫn với một nguyên tắc tưởng như bất di bất dịch trên lý thuyết: Đừng chính trị hóa thể thao!
Mà ở khía cạnh này, kể từ khi chiến sự bùng nổ tại miền Đông Ukraine, bất cứ ai theo dõi sâu sát một chút về tình hình bóng đá quốc tế (chứ không phải là tình hình thời sự quốc tế) cũng sẽ dễ dàng nhận ra rằng nguyên tắc đó đã được áp dụng "linh hoạt" đến thế nào, đối với các đội tuyển bóng đá thuộc Liên bang Nga.
Song, bỏ qua câu chuyện đó, cây bút bình luận Gab Marcotti của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN cũng tiếp tục chỉ ra: "Infantino có thể ngụ ý những lời nói của ông như một cử chỉ hướng đến đoàn kết và hòa nhập, nhưng chúng lại có vẻ vụng về, thô bỉ và xúc phạm. Trải nghiệm của một người bị phân biệt đối xử với người thiểu số (người Ý nhập cư ở Thụy Sĩ sau chiến tranh và - tôi đoán vậy - những đứa trẻ có mái tóc đỏ và tàn nhang) không giống với sự phân biệt đối xử và trải nghiệm của những người thiểu số khác. Đặc biệt, khi bạn là người da trắng, nam giới, người châu Âu, không khuyết tật và dị tính".
Và: "Việc bất cứ sự giả dối nào về chính trị, tôn giáo hay đạo đức đều không được phép là một phần của những cuộc trò chuyện xung quanh thể thao giờ đã biến mất. Điều này có lẽ phù hợp với Infantino, cũng như những người muốn FIFA được coi là một loại tác nhân tích cực cho sự thay đổi".
Trong khi đó, Steve Cockburn, người đứng đầu bộ phận công bằng kinh tế và xã hội của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét: "Bỏ qua những lời chỉ trích hợp pháp về nhân quyền, Gianni Infantino đang bác bỏ cái giá quá đắt mà những người lao động nhập cư phải trả để biến giải đấu hàng đầu của mình thành hiện thực - cũng như của FIFA. Yêu cầu về sự bình đẳng, nhân phẩm và bồi thường không thể được coi là một cuộc chiến văn hóa nào đó. Chúng là những quyền con người phổ quát mà FIFA đã cam kết tôn trọng trong các đạo luật riêng của mình.
Nếu có một tia hy vọng nhỏ nhoi nào, thì đó là việc ông Infantino đã thông báo rằng FIFA sẽ thành lập một quỹ kế thừa sau World Cup. Nếu FIFA muốn cứu vãn bất cứ điều gì từ giải đấu này, họ phải thông báo rằng nó sẽ đầu tư một phần đáng kể trong số 6 tỷ USD mà tổ chức sẽ kiếm được từ giải đấu này và đảm bảo quỹ này được sử dụng để bồi thường trực tiếp cho người lao động và gia đình của họ".
Ta có thể thấy, mặt trái của những tấm huy chương đã được thẳng tay bóc tách và phơi bày, ngay cả khi tiếng còi khai cuộc đầu tiên còn chưa kịp vang lên. Và, ở một khía cạnh nào đó, FIFA dường như đang mắc kẹt trong chính những hệ giá trị chồng chéo của mình - theo cách nói nhẹ nhàng nhất có thể, đặc biệt là sau những lời cáo buộc nặng nề từ chính cựu Chủ tịch FIFA - Sepp Blatter, một câu chuyện còn chưa được "giải mật" đầy đủ.
3. 12 năm qua, kể từ khi chính thức giành quyền đăng cai World Cup 2022, Qatar đã chi tới 300 tỷ USD đầu tư (theo Bloomberg), nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, để sẵn sàng trở thành nước chủ nhà World Cup "chịu chơi" nhất lịch sử. Bởi vậy, có lẽ những cơn mưa chỉ trích nghiệt ngã giáng xuống trước thềm giải đấu cũng phần nào là bất công cho nỗ lực của quốc gia Vùng Vịnh ấy.
Mặc dù vậy, những mệnh đề căn bản thì vẫn khó có thể bị phủ nhận. Chuyện đương kim Quả bóng vàng châu Âu – Karim Benzema - gia nhập danh sách dài dằng dặc những tên tuổi lỡ hẹn, buộc phải rời Đội tuyển Pháp trong thời điểm còn chưa đầy 24 giờ trước trận khai mạc World Cup là minh chứng cuối cùng và rõ ràng nhất, về tính bất hợp lý trong thời điểm tổ chức vòng chung kết lần này.
Từ 12 năm trước, đây đã là cơ sở lập luận vững chắc nhất của mọi ý kiến phản đối. 12 năm sau, bóng đá còn trở nên khắc nghiệt gấp nhiều lần, với những mùa giải dài gấp bội, nhiều giải đấu gấp bội, bào mòn thể lực các cầu thủ (nhất là các ngôi sao hàng đầu) gấp bội. Tuy nhiên, doanh thu từ bóng đá thì cũng tăng theo cấp số nhân, đó là điều không thể phủ nhận.
Theo Nasser Al Khater, Giám đốc điều hành của FIFA World Cup Qatar 2022, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: Quốc gia Vùng Vịnh sẽ thu hút 1,2 triệu du khách trong kỳ World Cup lần này. Điều này sẽ mang lại cho Doha khoản lợi nhuận tài chính khổng lồ, ước tính lên tới 17 tỷ USD, thông qua việc tạo ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho các lĩnh vực kinh tế khác nhau, bao gồm bất động sản, thương mại, du lịch, hàng không, giao thông vận tải. Lượng đặt phòng khách sạn tại Qatar đã đạt con số kỷ lục lên tới 30.000 phòng, 43.000 giường ở 128 khách sạn.
Cao hơn cả lợi nhuận có được từ kỳ World Cup này, cho dù ít được đề cập đến, mục tiêu thực thụ mà Qatar hướng tới gần như chẳng hề liên quan đến thể thao: Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đây mới là lý do đích thực để chính quyền Doha "xuống tiền không chớp mắt", bởi trong bối cảnh thế giới hiện tại, nền kinh tế đặt căn bản trên xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Qatar nói riêng cũng như rất nhiều quốc gia khác nói chung đã bắt đầu phải đối diện với những nguy cơ tụt hậu. Chiến sự ở miền Đông Ukraine cùng những hệ lụy tiêu cực của nó, khi đặt cạnh đòi hỏi sống còn dành cho nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đang tạo nên những áp lực cực lớn, có thể thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của loài người mãi mãi. Do đó, Qatar cùng những quốc gia "đồng cảnh ngộ" đã sớm phải tính đến phương án phát triển khác, mà du lịch đương nhiên là một mũi nhọn.
World Cup, vì thế, không chỉ là một ngày hội bóng đá. Đó là "chuyện làm ăn" cực kỳ nghiêm túc, đối với cả Qatar lẫn FIFA, là cơ hội quảng bá xứng đáng được đánh đổi bằng những cái giá "vụn vặt", thí dụ như sức khỏe của cầu thủ. Ở một phương diện khác, với tầm ảnh hưởng lớn lao trùm phủ lên hàng tỷ "tín đồ túc cầu giáo", không có gì ngạc nhiên khi xoay quanh World Cup, người ta sẵn sàng lồng ghép các diễn ngôn chính trị, kể cả khi tiêu chí nguyên thủy của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là phi chính trị.
Cuối cùng, bên ngoài những khán đài rực lửa, những người hiếu kỳ có lẽ cũng sẽ còn được thỏa mãn, khi bia, rượu hay những bộ y phục "mát mẻ" kiểu phương Tây chắc chắn sẽ đòi hỏi được chấp nhận (dù là tạm thời) trên mảnh đất Hồi giáo cổ xưa này - một biểu hiện của sự chia rẽ đang dần hằn sâu thêm mỗi ngày, trên cả hành tinh...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/vi-world-cup-khong-chi-la-bong-da-i675465/