Vỉa hè cứ dẹp rồi lại tái chiếm, Giám đốc Công an Hà Nội nêu loạt lý do
Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết sau mỗi đợt ra quân dẹp vỉa hè, tình hình có cải thiện nhưng sau đó lại tiếp tục bị lấn chiếm do nhiều nguyên nhân.
Tại phiên chất vấn chiều 7.12, các đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã có nhiều câu hỏi chất vấn về công tác quản lý lòng đường, vỉa hè nhằm tránh gây thất thoát tài sản công và bảo đảm trật tự văn minh đô thị.
Trả lời chất vấn của đại biểu Duy Hoàng Dương (H.Hoài Đức) về các giải pháp hữu hiệu trong lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng, trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp. Theo đó, trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng công an, mà là của tất cả các sở, ngành, chính quyền các cấp.
Ông Trung cho biết sau mỗi đợt ra quân, tình hình có cải thiện nhưng sau đó lại tiếp tục bị lấn chiếm nguyên nhân do vỉa hè là nguồn thu nhập chính gắn với một bộ phận không nhỏ người dân kinh doanh trên hè phố.
Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện rất lớn trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định…
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ bến đỗ, tuyến đỗ, giải quyết kinh tế của các hộ kinh doanh gắn với bảo đảm trật tự an toàn đô thị hiện nay; tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa bài toán kinh tế và trật tự đô thị.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Gao thông - Vận tải (GT-VT) tham mưu thực hiện các đề án quản lý sử dụng lòng đường, hè phố; quy hoạch các tuyến phố cấm dừng đỗ phương tiện, đưa ra tiêu chí cụ thể cho phép dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường nhằm giải quyết tận gốc những bất cập trên.
Công an TP cũng đã tham mưu ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, nâng cao trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt trong bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.
Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng công an phường điển hình kiểu mẫu về trật tự, an toàn và văn minh đô thị, trong đó, có tiêu chí về trật tự lòng đường, vỉa hè. Công an TP đang tham mưu Thành ủy ban hành chỉ thị về xây dựng phường điển hình kiểu mẫu như vậy.
Với việc các nhóm thanh thiếu niên, đua xe, mang theo hung khí buổi tối, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhận định hành vi này không chỉ vi phạm hành chính mà còn vi phạm hình sự.
Số liệu cho thấy trong năm qua, công an TP đã bắt giữ 2.584 phương tiện, 2.963 đối tượng có hành vi như lạng lách, đánh võng, rú ga… có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng; khởi tố 80 vụ, 623 đối tượng có hành vi trên và 100% vụ được xử lý theo đúng quy định.
Dù vậy, Giám đốc Công an Hà Nội thừa nhận khó khăn trong xử lý các trường hợp này do người vi phạm chủ yếu ở tuổi vị thành niên, chưa đến tuổi xử lý hình sự, có xử lý cũng là tội ít nghiêm trọng, phương tiện không có chế tài để thu giữ…
Cũng tại buổi chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa) nêu mô hình trông giữ xe iParking tạm dừng thí điểm từ tháng 9.2020 do còn nhiều tồn tại, bất cập.
Cử tri cho rằng đây là phương thức quản lý có nhiều ưu điểm, được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh TP đang xây dựng chính quyền số, TP thông minh thì phương thức quản lý, điều hành trông giữ phương tiện nêu trên có được Sở GT-VT tham mưu tiếp tục áp dụng?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Phi Thường cho biết việc dừng phần mềm iParking do vướng mắc về cơ chế pháp lý, phần mềm chưa hoàn thiện và bất cập trong thanh toán qua thẻ ATM/Visa…
Về hướng tham mưu TP, trong thời gian tới, sở đã được TP giao nhiệm vụ xây dựng đề án giao thông thông minh với nhiều bước, lộ trình thực hiện đến năm 2030. Sở đang điều chỉnh đề án, phấn đấu thực hiện từ năm 2025.
Theo đó, trung tâm giao thông thông minh TP được tích hợp từ trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông và trung tâm điều hành giao thông thông minh. Trung tâm giao thông thông minh có 10 chức năng, trong đó có việc quản lý đỗ xe trên địa bàn.