Vicem giảm doanh thu, lỗ hơn 1.000 tỷ đồng

Trong năm 2023, sau nhiều năm, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) báo lỗ sau thuế lên tới 1.129 tỷ đồng, doanh thu giảm 19%.

Theo báo cáo tài chính đã hợp nhất đã kiểm toán của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi gần 642 tỷ đồng trong năm 2022. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của VICEM chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.

Vicem ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, VICEM lãi gộp 1.923 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,2% xuống còn 8%.

Trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tối ưu một phần, chi phí tài chính tiếp tục đội lên 47%, chủ yếu là lãi vay. Công ty còn chịu thêm phần lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết khoảng 130 tỷ đồng.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cũng theo báo cáo kiểm toán, 2 công ty con thuộc Tổng công ty là Vicem Hạ Long và Công ty Cổ phần Xi măng miền Trung ghi nhận khoản nợ quá hạn cuối năm 2023 hơn 2.913 tỷ đồng, tăng thêm 97,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Cùng với đó, một số công ty con thuộc diện giám sát theo các quyết định của Hội đồng Thành viên Vicem, bao gồm: Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Vicem Hạ Long. Các công ty nêu trên có số dư lỗ lũy kế trong nhiều năm và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 6.513 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 6.129 tỷ đồng). Theo đó, việc cải thiện tình hình tài chính và khả năng hoạt động liên tục của các công ty này phụ thuộc vào việc cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh trong tương lai và khả năng thu xếp nguồn tài chính phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt, thép và vật liệu xây dựng, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Nguyễn Quốc Việt, Phụ trách HĐTV Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, những năm qua, VICEM tập trung đổi mới sáng tạo, cải tiến dây chuyền sản xuất, nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đặc biệt giảm khấu hao than, dùng được than phẩm cấp thấp, giá rẻ. Tập trung đầu tư xây dựng các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện, đặc biệt VICEM đã sử dụng rác thải, phụ phẩm, phế phẩm của ngành Công nghiệp khác như thạch cao, tro xỉ… Tập trung số hóa kinh doanh, hiện hầu hết tất cả các công ty xi măng thực hiện đặt hàng online.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam sẵn sàng tham gia hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các dự án đầu tư công, bán hàng trả chậm hơn. Thuế ngoài thuế clinker, thuế tài nguyên còn nhiều vướng mắc. Hiện tính thuế theo hai cách, thuế theo UBND tỉnh ban hành, hoặc tính giá bán trừ đi chi phí sản xuất. Cách tính thuế bất cập không khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực giảm chi phí sản xuất. Đề nghị thống nhất lấy giá do UBND tỉnh ban hành.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ năm 2023 đến nay, sản xuất clanhke và xi măng sụt giảm lớn. Tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, tương ứng 75% tổng công suất thiết kế. Trong năm 2023, có 42 dây chuyền dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, một số dây chuyển dừng cả năm (khoảng 30% công suất thiết kế).

Ước tính đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clanhke và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và dự kiến chỉ đạt khoảng 70- 75% tổng công suất thiết kế. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn xi măng và clanhke.

Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clanhke và xi măng cũng đều sụt giảm. Tổng sản lượng tiêu thụ cả năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành xi măng.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam nhấn mạnh, những người sản xuất xi măng quan niệm, xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế trong khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp xi măng bán xi măng dưới giá thành sản xuất.

Từ những khó khăn của ngành xi măng, đại diện Hiệp hội xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa.

Đề nghị sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua (miền Trung, thung lũng ở miền núi, Đồng bằng sông Cửu long).

Đồng thời cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng – đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông theo kịp các nước tiên tiến, khi đã có đủ xi măng trong nước.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Hải Nam (t/h)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vicem-giam-doanh-thu-lo-hon-1000-ty-dong-d49620.html