Việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng, công chứng chỉ chứng thực chữ ký người dịch

Chiều 17-6, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

 Các đại biểu dự họp chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự họp chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu một số điểm mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật xác định công chứng là việc công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Dự thảo quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Dự thảo quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) như hiện nay; quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo luật đã bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử. Việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể; đồng thời cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy. Dự thảo quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng.

Về công chứng bản dịch, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch, tránh việc trong thực tế nhiều CCV từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản này; tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch. Quy định này hạn chế rủi ro và trách nhiệm của CCV đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành kế thừa quy định về loại hình tổ chức của văn phòng công chứng như dự thảo luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, CCV là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Việc tổ chức văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân như Luật Công chứng năm 2006 có những điểm không phù hợp do khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Về công chứng điện tử, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viec-chung-nhan-ban-dich-khong-con-thuoc-pham-vi-cong-chung-cong-chung-chi-chung-thuc-chu-ky-nguoi-dich-post745016.html